Nam Định: Chuyện về Trạng nguyên Lương Thế Vinh

Nam Định: Chuyện về Trạng nguyên Lương Thế Vinh

Nam Định là mảnh đất văn hiến của vùng Sơn Nam xưa, đã sản sinh nhiều nhân tài cho đất nước. Triều đại phong kiến nào cũng có những bậc hiền tài giúp dân, giúp nước.

Lương Thế Vinh – danh nhân văn hóa thế kỷ XV, là con người tài hoa danh vọng vượt bậc, xuất hiện trong buổi thịnh trị của thời Lê Sơ ở nước ta, là một ngôi sao sáng nửa cuối thế kỷ XV của quốc gia Đại Việt.

Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh

Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh

Lương Thế Vinh tự là Cảnh Nghị, hiệu là Thuỵ Hiên, sinh ngày mồng 1 tháng 8 năm Tân Dậu (1441) trong một gia đình nông dân nghèo, có học ở làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, lộ Sơn Nam (nay là làng Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Từ nhỏ Lương Thế Vinh đã nổi tiếng là thần đồng thông minh, nhanh trí, chưa đầy 20 tuổi tài học của ông đã nổi tiếng khắp vùng Sơn Nam Hạ. Năm 23 tuổi, đời vua Lê Thánh Tông (1463), Lương Thế Vinh thi đậu Trạng Nguyên, đứng đầu 44 vị tiến sĩ. Vua Lê Thánh Tông đặc ân ban 1 lá cờ hoa, tự tay đề tên 3 vị khôi khoa, thành một bài thơ:

Trạng nguyên Lương Thế Vinh
Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh
Thám hoa Quách Đình Bảo
Thiên hạ cộng tri danh

Danh tiếng của Trạng nguyên Lương Thế Vinh từ đó vang lừng khắp đất nước. Suốt cuộc đời 32 năm làm quan ông đều ở Viện Hàn Lâm, làm đến chức Hàn lâm thị thư chưởng Hàn Lâm Viện sự (đứng đầu Viện Hàn Lâm), cái đẹp của cuộc đời Lương Trạng nguyên không chỉ ở tư tưởng yêu nước, thương dân mà còn là một sĩ đại phu thanh liêm, cương trực. Ông có biệt tài về ngoại giao được vua tin yêu giao trọng trách soạn thảo văn từ bang giao và đón tiếp sứ thần nước ngoài nhất là đối với triều Minh, vua Minh phải khen “Nước Nam có lắm người tài”. Ông đã thay mặt vua viết nhiều bài biểu gửi vua Minh để giải quyết những vụ tranh chấp, gây rối của bọn quan lại nhà Minh ở biên giới.

Không những có biệt tài về ngoại giao, Lương Thế Vinh còn là một nhà giáo dục giỏi. Ông đã đề nghị nhà vua cải cách việc học hành, thi cử, đưa việc học xuống tận dân thôn. Về nội dung dạy học ông đề nghị quan tâm cả việc dạy tri thức và đạo đức. Lương Thế Vinh đứng đầu Viện hàn lâm, song còn dạy học ở Quốc Tử Giám, Sùng Văn quán và Tú Lâm cục, là những trường học cao cấp đào tạo nhân tài cho đất nước. Học trò của ông nhiều người đỗ đạt cao, trong đó có Lương Đắc Bằng là cháu họ của Lương Thế Vinh và sau này là thầy học của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Chân dung Trạng nguyên Lương Thế Vinh

Chân dung Trạng nguyên Lương Thế Vinh


Là con người hành động, chuộng thực học, luôn nghĩ đến an dân. Lúc mới làm quan, ông vừa ở Viện hàn lâm, vừa làm cấp sự trung khoa công chuyên giám sát các công trình tạo tác lớn của Nhà nước như đê điều, đường sá, bến bãi, cung điện, đền đài. Ông đã tháo vát vận dụng toán học đo đạ tính toán để giám sát thúc đẩy việc thi công các công trình, tránh được mất mát, hap phí.

Do có đầu óc thực học, Lương Thế Vinh rất chú trọng đến việc dạy toán, học toán. Khác hẳn với xu thế đương thời là đi sâu vào văn chương thì Lương Thế Vinh lại khuyến khích việc học toán để ứng dụng vào cuộc sống. Có lẽ ở thời trung đại nước ta, đây là trường hợp duy nhất biết đề cao thực học, biết vai trò quan trọng của toán học trong cuộc sống. Do đó, khi làm quan, dạy học ông đã biên soạn cuốn “Toán pháp đại thành”, là sách giáo khoa toán đầu tiên ở nước ta. Ông đã vận dụng toán học vào việc đo đạc ruộng đất và đo lường.

Ngoài ra Lương Thế Vinh còn là một con người tài hoa, thích âm nhạc, rất am hiểu về âm nhạc và Chèo hát. Ông đã cùng Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận soạn 2 bộ Đồng văn và Nhã nhạc dùng trong Quốc lễ và triều hội. Ông đã biên soạn cuốn “Hý phường phả lục” có thể coi là tác phẩm lý luận đầu tiên về nghệ thuật kịch hát cổ truyền của nước ta.

Về văn thơ, Lương Thế Vinh cũng có rất nhiều đóng góp. Ông giữ chức Sái phu trong hội thơ Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông, là người chuyên phê bình, sửa chữa thơ trong hội. Ông đã cùng các ông Đỗ Nhuận, Thân Nhân Trung, Đào Cử… soạn nhiều bài ký, văn bia ở Văn Miếu, chùa Diên Hựu (tức Chùa Một Cột). Thơ văn của ông thể hiện sâu sắc tư tưởng yêu nước, thương dân, căm ghét bọn quan lại tham nhũng. Ông thích cuộc sống thanh cao, gần gũi với dân quê, với thiên nhiên khoáng đãng.

Vườn hoa Tao Đàn tại đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh

Vườn hoa Tao Đàn tại đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh


Có thể khẳng định ở lĩnh vực nào ông cũng là người kiệt xuất. Cuối đời, Lương Thế Vinh về trí sỹ ở quê nhà chuyên nghiên cứu đạo Phật, thả diều và đọc sách. Vốn ưa khoáng đãng, thanh cao Lương Thế Vinh đã dạo chơi nhiều chùa chiền, quen biết nhiều nhà sư nổi tiếng, cùng họ ngâm vịnh và đàm đạo. Ông đã giúp nhà chùa biên soạn, chú giải kinh Phật và soạn cuốn “Thích điền giáo khoa Phật kinh thập giới” thông qua việc giải thích 10 điều răn của Phật mà răn dạy người đời.

Ông cũng là người có nhiều đóng góp trong việc mở mang kinh tế, không thích văn chương phù phiếm. Ông đã dạy dân làng Hương làm buôn thuốc Nam, thuốc Bắc chữa bệnh cứu người, khuyến khích mở nhiều chợ búa, mở mang dân trí, giáo dục con người cả về tài và đức. Trong bài văn sách thi Đình, vua hỏi về “Đạo trị nước của các bậc đế vương”, ông viết: “Việc giáo dục mà làm tốt thì phong tục đẹp. Có tôn sư trọng đạo thì mới có nhiều người tài giỏi. Giáo chức có quan hệ lớn như vậy đó. Nhưng việc giáo dục hiện chỉ chú ý đến văn chương, cái đáng lo là chưa dạy đức hạnh.” Ông khuyên nhà vua kén chọn người hiền tài, đặt quan chức để “vì nhân dân mà làm việc”, khuyên nhà vua và triều đinh phải “đồng tâm nhất thể”. Ông viết: “Vua tự sửa mình, bày tôi tự sửa mình thì chính sự sẽ được tốt đẹp, lê dân đều có đức thì sẽ chính được lòng người, trừ được tệ xấu.”

Lương Thế Vinh là ngôi sao Đẩu tỏa sáng giữa thời thịnh trị của vua Lê Thánh Tông, đã vỗ cánh tung bay như chim bằng giữa bầu trời lộng gió, đem tài trí của mình giúp nước, giúp dân, củng cố và phát triển nền thịnh trị của quốc gia Đại Việt. Cuộc đời và sự nghiệp của Trạng nguyên Lương Thế Vinh đời đời còn truyền tụng.

Lăng mộ Trạng nguyên Lương Thế Vinh

Lăng mộ Trạng nguyên Lương Thế Vinh


Ông mất ngày 26 tháng 8 năm Bính Thìn (1496) tại quê nhà. Nghe tin Lương Thế Vinh qua đời, vua Lê Thánh Tông đã khóc và làm thơ điếu ông, trong đó có 2 câu kết:

Khuất ngón tay than tài cái thế
Lấy ai làm trạng nước Nam ta

Nhân dân làng Hương quý mến đã giữ gìn phần mộ của ông tại khu Mả Trạng (thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản). Đền thờ của ông được xây dựng trên nền nhà cũ tại Giáp Nhất, làng Cao Phương (xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản), đã được Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hoá cấp Quốc gia.
Nguồn: Sách Trạng nguyên Lương Thế Vinh – nhà sử học Bùi Văn Tam


TOP