Nam Định: Nuôi loài thú khoái ăn chuối, ăn cháo loãng qua ngày mà ông nông dân này kiếm tiền tỷ

Nam Định: Nuôi loài thú khoái ăn chuối, ăn cháo loãng qua ngày mà ông nông dân này kiếm tiền tỷ

Sau 8 năm thất bại liên tiếp, cuối cùng ông Nguyễn Văn Thắng (52 tuổi) ở thôn Mỹ Lộc, xã Yên Phương, huyện Ý Yên (Nam Định) cũng nhân nuôi thành công đàn chồn quý hiếm. Loài chồn ông Thắng nuôi chỉ khoái ăn chuối chín và cháo loãng…

Quyết tâm theo đuổi nghề nuôi chồn hương
Chỉ cần nhắc đến ông Nguyễn Văn Thắng ở thôn Mỹ Lộc, xã Yên Phương, huyện Ý Yên thì người dân ở nơi đây không ai là không biết.

Người ta biết đến ông không chỉ là một nông dân chịu khó, mà còn đang sở hữu trang trại nuôi chồn hương có quy mô lớn nhất tỉnh Nam Định, cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Văn Thắng ở xã Yên Phương, huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định) là người đầu tiên đưa con chồn về nuôi tại địa phương và cũng là người duy nhất nhân nuôi thành công loại vật này.

Đặc biệt, người ta còn biết đến ông nhiều hơn vì rất có gan làm giàu. Dù vấp ngã, khó khăn bủa vây tưởng chừng không đứng nổi, nhưng với bản lĩnh của mình, ông vẫn biết cách đứng dậy và vươn lên làm giàu, khiến nhiều người rất nể phục.

Được sự giới thiệu của một người quen, chúng tôi men theo con đường nhựa khang trang, dẫn ra khu trang trại chăn nuôi chồn hương của gia đình ông Thắng.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Thắng cho biết: “Năm nay chồn đẻ sai, lứa đầu tiên tôi đã có được 160 con chồn giống. Số chồn giống này bán đi thì kiểu gì tôi cũng kiếm được gần 1 tỷ. Chưa kể, 50 con chồn nái đang chửa lứa tiếp theo, nuôi chồn một khi đã thành công thì nông dân cũng có tiền”.

Nhưng ít ai biết rằng, để có được thành công như ngày hôm nay, ngoài sự bản lĩnh còn cả máu liều của ông Thắng trong đó. Bởi ông đã trải qua 8 năm gây nuôi chồn hương thất bại liên tiếp, tiền mất nhiều không đếm xuể, năm ít thì mất vài chục triệu còn năm nào nhiều thì cả trăm triệu.

Bên chén trà nóng, ông Thắng tâm sự, gia đình ông làm nghề ấp nở gia cầm, những đồ bỏ đi đem ra nấu cháo lại là thức ăn khoái khẩu của con chồn hương. Đặc biệt, chồn hương lại có giá trị kinh tế cao nên ông quyết định vào tận tỉnh Nghệ An đê thăm quan mô hình, học hỏi kinh nghiệm nuôi chồn…

Thức ăn của chồn hương chủ yếu là chuối chín và cháo cá, mỗi ngày cho ăn một lần vào các buổi chiều.

Đầu năm 2010, ông mua 8 cặp chồn hương về nuôi thử nghiệm, những chỉ 10 ngày sau đàn chồn bị chết hơn 1 nửa, và xóa sổ hoàn toàn trong một thời gian sau đó. Một số tiền lớn mất đi trong thời gian ngắn, khiến vợ chồng ông choáng váng, ngã ngửa vì giấc mơ làm giàu từ con chồn.

“Tôi gần cả đời gắn bó với nghề chăn nuôi, nhưng chưa có con gì mà mất tiền nhanh và nhiều bằng con chồn. Cái chuyện nuôi chồn mà bị mất một vài chục triệu, hay tiền trăm là chuyện như cơm bữa. Nhưng đổi lại nếu nuôi thành công thì cũng nhanh giàu, đây là tia hy vọng cho tôi cố gắng” – ông Thắng nhớ lại

Năm nay, ông Thắng dự đinh thu về khoảng 1 tỷ đồng nhờ bán chồn giống và chồn thịt thương phẩm.

Lứa chồn hương đầu tiên ông Thắng mất trắng gần 70 triệ. Với niềm tin là mình sẽ nhất định nuôi thành công, ông tiếp tục bỏ tiền đi mua chồn về nuôi tiếp. Nhưng sự thật lại chớ trêu, các năm tiếp theo cũng không khá hơn năm đầu là mấy, đầu tư ra bao nhiêu là thua lỗ bấy nhiêu.

Không hiểu ma xui quỷ khiến kiểu gì, càng thất bại, ông Thắng càng lao vào sâu hơn, có năm mất vài trăm triệu nhưng ông vẫn “gan lỳ cóc tía” quyết theo nghề nuôi chồn hương. Thấy ông thất bại liên tục, vợ con ông khuyên ngăn, phản đối không cho ông nuôi nữa, ông đều bỏ ngoài tai đi mua chồn về nuôi tiếp.

“Mỗi năm nuôi chồn thất bại thì tiền thua lỗ có thể bằng một miếng đất. Ví dụ như thời điểm năm 2010 , một mảnh đất mặt đường ở quê tôi cũng chỉ có 70 triệu. Hiện giờ miếng đất đó cũng có giá tiền tỷ, nếu như không nuôi chồn mà đi mua đất thì giờ ngồi chơi tôi cũng có tiền tỷ” – ông Thắng cười nói.

Chồn hương con sau khi tách mẹ được chuyển sang nuôi tập trung, thuận tiện cho việc chăm sóc quản lý.

Gặt hái những thành công từ nghề nuôi chồn hương
Sau 8 năm miệt mài phấn đấu, bao nhiêu công sức, tốn bao tiền của nhưng cuối cùng ông Thắng cũng chỉ còn lại hai bàn tay trắng. Quãng thời gian này, ông rơi vào trạng thái tuyệt vọng, chán nản…không biết sẽ làm gì tiếp theo, có lên theo tiếp hay là không.

“Suy nghĩ trăn trở nhiều đêm, cuối cùng tôi quyết định “ngã ở chỗ nào thì phải đứng lên chỗ đó”, tiếp tục vay mượn tiền về tái đàn, tiếp tục nuôi chồn, đánh tiếp một canh bạc lớn nữa ” – ông Thắng tâm sự.

Sau 8 năm thất bại, ông đã rút ra những kinh nghiệm xương máu, dần ông cũng hiểu ra nguyên nhân dẫn đến thất bại và biết cách khắc phục. Ông tự tin vào bản thân của mình hơn, từ những con chồn còn sót lại và đi mua thêm, ông Thắng quyết tâm gây dựng lại từ đầu

Sang năm thứ 9, rút được kinh nghiệm được trả bằng học phí của nhiều năm trước, đàn chồn của ông không còn bị chết hàng loạt như các năm trước, mở ra tia hy vọng cho ông, sau một khoảng thời gian xui xẻo.

Chồn con khoảng 3 tháng tuổi đạt trọng lượng trên 1kg, có giá khoảng từ 5 -6 triệu đồng/con.

Chia sẻ với báo điện tử Dân Việt, ông Thắng cho biết, ông mới nuôi chồn thành công được khoảng 3 năm nay, bắt đầu cho thu nhập từ năm ngoái. Cuối năm tổng kết lại cũng cho thu nhập vài trăm triệu đồng.

Bước sang năm thứ 3, kỹ thuật nuôi chồn của ông ngày càng tốt hơn, đàn chồn phát triển mạnh, chồn cái mắn đẻ, nuôi con đạt tỷ lệ sống cao. Quy mô đàn chồn đã lên tới hơn 200 con, trong đó chồn mẹ là 50 con, chồn đực là 20 con, còn lại là chồn giống và chồn thịt thương phẩm.

“Tôi bây giờ tự tin rằng là tôi đã nuôi thành công con chồn hương, nuôi sịnh sản hay thương phẩm tôi đều tìm ra bí quyết để thành công. Với 50 con chồn đẻ thì năm nay tôi ít nhất cũng phải kiếm được 1 tỷ đồng” – ông Thắng tiết lộ.

Chồn mẹ đẻ 2 lứa/năm, mỗi lứa từ 3-5 con. Khi chồn mẹ mới sinh hạn ché người lạ ra vào.

Theo ông Thắng, ông đang nuôi hai loại chồn là chồn hương và chồn mốc, đây là hai loại chồn có giá trị kinh tế tương đối cao. Đối với chồn thương phẩm có giá từ 2,3 triệu đến 2,6 triệu đồng/kg tùy theo loại chồn, còn chồn giống có giá từ 5- 6 triệu đồng/con.

Chồn sau khi nuôi khoảng 8 tháng là có xuất bán thương phẩm, có thể giữ lại nuôi làm chồn sinh sản đều được. Chồn mẹ một năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 3-5 con, thức ăn chủ yếu của chồn là cháo cá tạp, cháo gà thải loại và chuối chín.

Chuồng nuôi chồn cao khoảng 70cm, rộng từ 0,7m2 cho đến 5m2 tùy mục đích nuôi nhốt.

Theo ông Thắng, chồn rất dễ nuôi nhưng hay bị bệnh liên quan đến đường ruột, khi mới bị chồn ít biểu hiện ra bên ngoài, khi bị nặng thì mới triệu chứng rõ ràng. Khi chồn đã bị tiêu chảy thì hầu như không thể chữa trị, rất dễ lây lan sang con khác. Vì vậy thường xuyên phòng các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa cho chồn.

“Hiện 50 chồn mẹ đã sinh sản lứa thứ nhất được 160 con, chồn con đã được tách ra nuôi riêng và phát triển rất tốt. Số chồn mẹ này đang mang thai lứa thứ 2, hứa hẹn năm nay sẽ cho thu nhập cao, giúp tôi gỡ lại tiền đã mất trước đó”- ông Thắng vui vẻ nói.

Tags:

TOP