Người đưa sơ đồ toán học vào giảng dạy văn học

Người đưa sơ đồ toán học vào giảng dạy văn học

Thầy Đoàn Văn Hiệu, giáo viên Ngữ Văn, Trường Trung học Phổ thông Xuân Trường C, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định có nhiều sáng kiến, áp dụng hiệu quả phương pháp dạy học mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, khơi dậy niềm đam mê học Văn cho học sinh.

Thầy giáo Đoàn Văn Hiệu sử dụng hiệu quả phương pháp sơ đồ graph của toán học vào giảng dạy môn Văn.

Đoàn Văn Hiệu là học sinh giỏi Toán của tỉnh Nam Định. Năm 2003, Hiệu đăng ký thi khối A và đỗ vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân với số điểm cao. Tuy nhiên, khi đang học năm thứ nhất, quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, đọc các tài liệu về các môn khoa học xã hội, Hiệu thực sự hứng thú, có niềm đam mê đặc biệt với các môn học này nên đã đưa ra quyết định gây bất ngờ cho thầy cô, bạn bè trong lớp. Hiệu xin nghỉ học, thi lại và đỗ vào Khoa Ngữ Văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Được học đúng lĩnh vực yêu thích, Hiệu không những nỗ lực học tốt các môn chuyên ngành mà còn tranh thủ thời gian tích lũy thêm kiến thức, tìm phương pháp học, cách tiếp thu bài học, làm bài thi hiệu quả nhất.

Năm 2008, sau khi tốt nghiệp Đại học, Hiệu trúng tuyển làm giáo viên Ngữ Văn tại Trường Trung học Phổ thông Xuân Trường C. Trước thực trạng nhiều học sinh có xu hướng ngại học môn Văn và các môn khoa học xã hội vì phải ghi chép nhiều, khó nhớ, khó hệ thống kiến thức bài học, cộng với việc ý thức được rằng, dạy học luôn đòi hỏi sự sáng tạo, đổi mới để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, thầy Hiệu đã đề xuất và được lãnh đạo nhà trường đồng ý cho áp dụng phương pháp sơ đồ graph vào dạy môn Văn.

Thầy Hiệu cho biết, đây là phương pháp sử dụng sơ đồ để mô tả sự vật, hoạt động, cho phép hình dung mối liên hệ giữa các yếu tố trong cấu trúc của sự vật, cấu trúc logic của quy trình triển khai hoạt động. Ban đầu, khi chưa có máy tính, thầy đã sử dụng phấn vẽ sơ đồ hệ thống kiến thức của bài học lên bảng. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả phương pháp này, cần phải ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, soạn bài giảng, giáo án điện tử. Thầy đã dành giụm tiền lương mua một chiếc máy tính xách tay phục vụ việc nghiên cứu tài liệu, cập nhật kiến thức mới và soạn giáo án. Thầy Hiệu đã ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học hiệu quả. Giáo án được thiết kế sinh động, có các hình ảnh, tư liệu phong phú, liên quan trực tiếp đến bài học làm cho học sinh ngày càng yêu thích môn học.

Trực tiếp dự giờ dạy Văn cho học sinh lớp 11 của thầy Đoàn Văn Hiệu mới cảm nhận rõ sự sáng tạo và tinh thần đổi mới của thầy giáo trẻ này. Không giống như cách học truyền thống, giáo viên đọc – học sinh ghi chép, truyền đạt kiến thức một chiều, thụ động. Ở đây, thầy Hiệu đã sử dụng linh hoạt phương pháp sơ đồ graph kết hợp với các phương pháp bổ trợ làm cho giờ học sinh động, hấp dẫn và sôi nổi hơn. Học sinh đã thực sự là trung tâm của quá trình học. Các em chủ động tìm hiểu, tiếp nhận kiến thức, tích cực tham gia hoạt động nhóm, xây dựng bài học.

Cảm nhận về bài giảng “Chữ người tử tù” của thầy Hiệu, em Phạm Thị Thanh Tâm, học sinh lớp 11A1 cho hay, cách dạy của thầy rất dễ hiểu, giống như những công thức toán học, có thể lắp ghép các đơn vị kiến thức lại với nhau để tiếp thu bài nhanh hơn. Thông qua sơ đồ của bài học, em có thể dễ dàng hình dung những nét khái quát về tác giả Nguyễn Tuân, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm; đồng thời phân biệt được đặc điểm nổi bật, tính cách điển hình của hai nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục, từ đó hiểu được giá trị nội dung và nghệ thuật cũng như những chân lý cuộc sống qua tác phẩm…

Thầy Hiệu chia sẻ, muốn thực hiện phương pháp này trong dạy học Văn, trước hết người giáo viên phải làm chủ được kiến thức của mình, nắm được những kiến thức trọng tâm, cơ bản và biết hệ thống kiến thức đó theo một chuỗi từ dễ đến khó, đơn giản đến phức tạp. Để dẫn dắt học sinh đạt đến mục tiêu giáo dục, giáo viên phải chuẩn bị bài ở nhà rất kỹ, thông qua hệ thống bảng biểu, sơ đồ. Các sơ đồ phải được mã hóa những thông tin, những đơn vị kiến thức mà học sinh phải thực hiện trong bài học.

Giáo viên cần hướng dẫn học sinh tự học ở nhà để có một tâm thế chủ động, tích cực khi vào bài học. Trong quá trình giảng dạy, học sinh thực hiện phương pháp sơ đồ graph thông qua việc hoàn thành một bảng học tập có định hướng của giáo viên. Các em phải làm việc nhóm để hoàn thiện bảng học tập, sau đó sẽ tương tác, phản biện với các nhóm khác và giáo viên là người hướng dẫn, định hướng, chốt lại kiến thức cho học sinh. Có thể kết hợp với việc tổ chức các trò chơi dán sơ đồ tư duy để phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh theo mô hình dạy học mới, dạy học thực tiễn, hạy học tình huống, học sinh sẽ học qua làm, học qua tương tác, học qua nhóm. Quá trình đó giúp học sinh yêu thích môn học, vận dụng tốt kiến thức được học vào cuộc sống đồng thời cải thiện kết quả học tập.

Thầy Hiệu cho rằng, để truyền “lửa” học Văn cho học sinh, vai trò của giáo viên rất quan trọng. Người thầy phải có tình yêu, lòng đam mê với nghề nghiệp; luôn đổi mới phương pháp, tiếp thu, vận dụng những kiến thức mới vào dạy học; nâng cao tinh thần tự học và sáng tạo để làm sao gợi mở, hướng dẫn học sinh tự học. Cùng với đó, cần vận dụng linh hoạt các hình thức dạy, dạy học kết hợp ví dụ như: trao đổi bài trực tuyến, tổ chức học ngoại khóa để các em được trải nghiệm thực thế, chia sẻ tâm tư, quan điểm của mình về bài học và các vấn đề xã hội, từ đó phát huy tính chủ động tích cực của học sinh

Sơ đồ graph của thầy Hiệu khơi dậy sự hứng thú học Văn ở các em học sinh.

Việc áp dụng phương pháp sơ đồ graph vào dạy Văn qua thực tiễn đã chứng minh hiệu quả rõ nét, được các thầy cô giáo ghi nhận, thu được phản ứng tích cực của học sinh. Phương pháp này đang được áp dụng tại nhiều trường Trung học Phổ thông trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Thầy Hoàng Trọng Sâm, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Xuân Trường C đánh giá: Thầy Hiệu là một giáo viên yêu nghề, tận tâm với công việc, có trách nhiệm với học sinh. Ngay từ khi mới về công tác tại trường, thầy đã chuyên tâm tìm hiểu, nghiên cứu các phương pháp giảng dạy mới nhằm tạo hứng thú học bài, thu hút học sinh. Thầy là người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy thu được hiệu quả tích cực. “Có thể khẳng định, thành công lớn nhất của thầy Hiệu đó là, thông qua những bài giảng của mình đã truyền niềm yêu thích môn Văn cho học sinh. Không những thế, thầy còn chỉ bảo, định hướng, giúp các em hiểu, rút ra những giá trị tốt đẹp và chân lý trong cuộc sống”, thầy Sâm nhấn mạnh.

Cô Vũ Thị Trường, Tổ trưởng Tổ Văn, Trường Trung học Phổ thông Xuân Trường C cho rằng: Văn là một trong những bộ môn rất khó tìm ra được phương pháp và những kỹ thuật dạy học đổi mới nhưng thầy Hiệu đã áp dụng phương pháp sơ đồ graph khá hiệu quả. Phương pháp này giúp học sinh ghi nhớ kiến thức nhanh và lâu. Các em có thể tìm ra sự liên kết giữa các đơn vị kiến thức và tự khái quát lại kiến thức của bài học.

Với những đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”, thầy Đoàn Văn Hiệu đã được nhiều thế hệ học trò yêu mến. Liên tiếp trong các năm 2015 – 2016, các sáng kiến trong việc đổi mới phương pháp dạy học của thầy Hiệu đã được Hội đồng khoa học Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định đánh giá cao. Thầy Hiệu đã đoạt giải Khuyến khích trong Cuộc thi dạy học theo chủ đề tích hợp năm học 2016 – 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo..

Theo Vũ Văn Đạt (TTXVN)


TOP