Tình trạng nông dân bỏ ruộng ở Nam Định đang gia tăng

Tình trạng nông dân bỏ ruộng ở Nam Định đang gia tăng

Nhiều năm nay ở Nam Định xuất hiện tình trạng nông dân không còn thiết tha với đồng ruộng. Những lao động trẻ, khỏe không ở nhà sản xuất mà ra các thành phố lớn làm nghề xe ôm, làm thuê.

Hàng chục ha ruộng hai vụ lúa của xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc bỏ hoang hóa

Hàng chục ha ruộng hai vụ lúa của xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc bỏ hoang hóa


Tình trạng nông dân bỏ ruộng tại Nam Định đang gia tăng. Các huyện bỏ ruộng nhiều là Nam Trực hơn 210 ha; Ý Yên khoảng 200 ha; Trực Ninh hơn 140 ha; Mỹ Lộc hơn 110 ha… Phần lớn đất lúa bị bỏ hoang nằm ở các xã có làng nghề, khu cụm công nghiệp hoặc gần đô thị. Theo ngành NN- PTNT tỉnh Nam Định, năm 2015, có hơn 5.600 hộ nông dân tại địa phương này bỏ hoang 533 ha đất nông nghiệp hai vụ lúa. Đến vụ lúa đông xuân năm 2016, diện tích ruộng bỏ hoang gần 840 ha, đều là đất “bờ xôi, ruộng mật”.

Nam Định là tỉnh nông nghiệp với gần 80% dân số là nông dân (khoảng 1,4 triệu người). Trong khi chỉ có gần 80 nghìn ha đất nông nghiệp hai vụ lúa, bình quân hơn 1 sào (360m2)/người. Nhiều xã ở huyện Xuân Trường chỉ có 200m2/người. Đất chật, người đông nên từ nhiều đời nay, người dân một nắng hai sương, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để mưu sinh. Tuy nhiên, nhiều năm nay ở Nam Định xuất hiện tình trạng nông dân không còn thiết tha với đồng ruộng. Những lao động trẻ, khỏe không ở nhà sản xuất mà ra các thành phố lớn làm nghề xe ôm, làm thuê… để kiếm “tiền tươi, thóc thật” mang về nuôi vợ con.

Cũng có nhiều trường hợp, khi con cái ra Hà Nội, bố mẹ cũng theo ra và bỏ ruộng. Ông Ngô Xuân Ích, một lão nông ở xã Nam Hồng (huyện Nam Trực) cho biết, đầu tư cho một sào lúa mất khoảng 800 nghìn đồng/vụ chưa kể công chăm sóc, nếu mưa thuận gió hòa thu được 2 tạ/sào/vụ (tương đương 54 tạ/ha/vụ), theo thời giá hiện nay, trị giá khoảng 1,4 triệu đồng. Trừ chi phí chỉ còn 600 nghìn đồng/sào/vụ. Đó là chưa nói việc quy hoạch đô thị; các khu dân cư và các khu cụm công nghiệp không đồng bộ. Nhiều nơi diện tích đất trồng lúa bị xen kẹt trong các khu, cụm công nghiệp nên hệ thông kênh mương thủy lợi bị chia cắt, khó tưới tiêu, bị ô nhiễm do nước thải làng nghề nước, thải sinh hoạt, … dẫn tới việc trồng lúa kém hiệu quả, càng làm cho nông dân không thiết tha với đồng ruộng.

Theo: Thành Đức – Nongnghiep.vn


TOP