TS Nguyễn Xuân Thủy: Con đường 7 tỷ ở Nam Định dùng tay cậy được đá lên… có thể do bị 'rút ruột'

TS Nguyễn Xuân Thủy: Con đường 7 tỷ ở Nam Định dùng tay cậy được đá lên… có thể do bị ‘rút ruột’

Theo ý kiến của chuyên gia giao thông, con đường đi qua thôn Thọ Tung (Nam Hùng, Nam Trực) mới hoàn thành mà dùng tay cậy được đá lên là không đảm bảo chất lượng công trình… có thể bị ăn bớt nguyên vật liệu.

Những đoạn đường đã hoàn thành đa số phần bên dưới đều không có nhựa đường hoặc rất ít.

Liên quan đến việc con đường nhựa tiền tỷ đi qua thôn Thọ Tung (xã Nam Hùng, Nam Trực, Nam Định) mới hoàn thành nhưng người dân chỉ dùng tay là lột được hết lớp đá lên, ngày 29/3, PV đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy để có thêm thông tin về sự việc.

Chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy.

Qua trao đổi, TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết, con đường đi qua thôn Thọ Tung (Nam Hùng, Nam Trực, TP Nam Định) sau khi có những đoạn làm xong mà người dân dùng tay moi được đá lên có thể là do chất lượng làm không đảm bảo hoặc do làm ẩu và bị rút bớt vật tư cần thiết làm nhựa.

“Trước mắt, đoạn đường trên có thể là do nhựa không đảm bảo chất lượng, dù đã được nén nhiều nhưng người dân vẫn bốc đá nên được chứng tỏ nó bị rữa, hoặc cát quá nhiều, lượng nhựa ít, các thành phần không đảm bảo công nghệ theo quy định”, TS Thủy nói.

TS phân tích: “Trong nhựa có đá và cát, có thể do tỉ lệ đá và cát quá cao, lượng nhựa là cái gắn kết thì lại ít và các thành phần khác chưa đảm bảo. Vì vậy đoạn đường này có khả năng bị rút ruột”.

Tuy nhiên, sau khi được người dân phát hiện và đoàn thanh tra ở tỉnh, huyện về kiểm tra thì thấy chất lượng đường rất kém nên các đơn vị thi công đã làm lại con đường bằng cách rải thêm một lớp nhựa lên bề mặt đường cũ. Vậy việc rải nhựa đè lên những mặt những lớp nhựa không đạt chất lượng có để lại hậu quả xấu không?

Một đoạn đường kém chất lượng được đơn vị thi công làm lại mặt.

Trả lời về vấn đề này TS Thủy cho biết, nếu ở đường nông thôn mà sửa chữa như thế ở thì cũng có phần hợp lý. Tuy nhiên, phần quan trọng nhất vẫn phải do móng. Nếu nền móng không gia cố tốt, một thời gian sau ô tô đi lên thì đường sẽ bị nứt, vỡ, mặt đường sẽ biến thành ổ gà, ổ trâu.

“Móng là phần quan trọng nhất của con đường, quy trình làm móng sẽ rất khó khăn và sẽ tốn nhiều tiền của, công sức xây dựng để đảm bảo cho độ bền của cả con đường. Ở đây, nếu đoạn đường này làm đúng quy trình mà đạt chất lượng thì mức phí khoảng 7 tỷ vẫn là quá đắt”, TS Thủy cho hay.

Theo TS Thủy, phương pháp tốt nhất để sửa lại con đường này là bóc ra đổ lại do lớp dưới không tốt. Thậm chí, phải có máy khoan thử xem nền móng nó sâu bao nhiêu và chất lượng nền móng có đảm bảo lý tính hay không.

“Ở đây, nếu móng tốt mà đơn vị thi công sửa lại bằng cách đổ thêm lớp mới lên vẫn là làm ẩu, qua loa. Nếu không cẩn thận thì cả lớp cũ và lớp mới sẽ vỡ dẫn đến cả đoạn đường bị hư hỏng. Vì vậy, đơn vị thi công cần phải xem lại quy trình, công nghệ và chất lượng làm đường”, TS Thủy nói.

Trước đó, như chúng tôi đã đưa tin, gần đây, người dân ở thôn Thọ Tung rất bức xúc về việc chất lượng của đường Thụ dài khoảng 1,3 km đi vào trong thôn được đầu tư hàng tỷ đồng mới được hoàn thiện 15 ngày đã xuống cấp nghiêm trọng.

Nhận được phản ánh của người dân, cán bộ xã Nam Hùng (Nam Trực, Nam Định) đã trực tiếp cùng cán bộ thôn kiểm tra chất lượng những đoạn đường đã hoàn thành, đồng thời báo cáo lên cấp trên để có biện pháp xử lý, khắp phục. Nguyên nhân đá và nhựa đường không liên kết với nhau dẫn đến tình trạng dùng tay là dễ dàng lột lên được chủ đơn vị thi công cho rằng do trong lúc rải nhựa gặp trời mưa.

PV/Tạp chí SHTT


TOP