Từ "Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ": người yếu thế dễ bị lôi kéo

Từ “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ”: Cảnh giác các hệ phái tôn giáo mới

Ứng xử với các hệ phái tôn giáo mới có dấu hiệu biến tướng cần phải thận trọng, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa để giúp người dân nhận thức, phân biệt tôn giáo chính thống với tà đạo – như “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ”

Thông tin về tổ chức tự xưng mang tên “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” thời gian gần đây khiến dư luận lo lắng về một hệ phái tôn giáo mới với hình thức truyền đạo có dấu hiệu lệch lạc về văn hóa, trái thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Câu chuyện về các hệ phái tôn giáo mới hoặc tự xưng không còn lạ ở Việt Nam khi trước đó cơ quan chức năng từng phát hiện, làm rõ và xử lý nhiều cá nhân liên quan đến các tà đạo như hội, nhóm “Hội Tiên Rồng”, “Long Hoa Di Lặc”, “Hội Tâm Linh”, “Giáo Hội Lạc Hồng”, “Hà Mòn”.

Tà đạo ở đây được hiểu là những đạo lạ, không chính thống, không được pháp luật thừa nhận.

Người yếu thế dễ bị lôi kéo

Thực tế hoạt động của các hội, nhóm tà đạo thường do một số cá nhân lợi dụng để trục lợi, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế – xã hội của người dân.

Về kinh tế, người tham gia các hội, nhóm này bị xáo trộn cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày. Nhiều người bỏ việc để theo các hội, nhóm với giáo lý được truyền bá phản khoa học như “không làm vẫn giàu sang”.

Về hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam, ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, khẳng định nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng cho mọi người dân nhưng cũng nghiêm cấm hành vi xâm phạm trật tự an toàn, đạo đức xã hội.

Ông Thắng cũng cho rằng cần phân biệt các tổ chức tôn giáo tự xưng với những hệ phái tôn giáo đã được cấp phép hoạt động, tránh đánh đồng với tôn giáo chính thống.

Buổi truyền đạo trái phép của “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” tại TP Hải Phòng. (Ảnh do Công an TP Hải Phòng cung cấp)

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Đỗ Lan Hiền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo và tín ngưỡng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), cho biết những hệ phái tôn giáo biến tướng khi xuất hiện ở Việt Nam thông thường sẽ tập trung truyền bá vào nhóm người yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn hay gặp bất trắc trong cuộc sống.

“Do vậy, nhóm người này thường rất dễ nghe theo những điều được truyền bá. “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” là hệ phái mới nên bị lạm dụng, biến tướng, lệch lạc trong các nghi thức, nghi lễ” – bà Hiền lý giải.

Cũng theo bà Hiền, sự khủng hoảng về niềm tin hay những biến cố trong đời sống xã hội như mất công ăn việc làm, gia đình mâu thuẫn cũng khiến nhiều người rơi vào u mê khi bị các hệ phái biến tướng lôi kéo.

Như từ thông tin báo chí nêu thời gian gần đây, “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” chủ yếu lôi kéo phụ nữ, người già, học sinh, sinh viên – những nhóm người nhẹ dạ, cả tin.

Một số cá nhân sẽ lợi dụng những biến cố trong đời sống xã hội, đưa ra những giáo lý để “bảo hộ” cho đời sống của họ, “cứu rỗi” họ nên họ dễ dàng nghe theo và gia nhập để sinh hoạt.

PGS-TS Nguyễn Công Lý, Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP HCM), cho rằng các hoạt động truyền đạo, các tổ chức sinh hoạt tôn giáo tập trung nhưng không đăng ký, không tuân thủ pháp luật với những giáo lý lệch lạc thì có thể coi là tà đạo, truyền bá mê tín dị đoan.

Làm nguội “điểm nóng”

Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về tôn giáo, tín ngưỡng, PGS-TS Đỗ Lan Hiền cho rằng khi ứng xử với các hệ phái tôn giáo mới, các cơ quan chức năng tuyệt đối không được nóng vội.

“Trước các điểm nóng tôn giáo, chúng ta cần thận trọng, phải làm nguội từ gốc rễ. Chưa vội quy kết cho hệ phái đó mà cần có những cuộc điều tra, khảo sát, nghiên cứu cụ thể, từ đó mới đưa ra kết luận” – bà Hiền nói.

Đồng tình, GS-TS Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về tôn giáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhận định trong xã hội phát triển đa nguyên tôn giáo như hiện tại thì việc xuất hiện các hệ phái tôn giáo mới bị biến tướng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Do vậy, cơ quan chức năng cần bình tĩnh, nghiên cứu cụ thể để có hướng quản lý phù hợp.

Để làm điều này, theo bà Đỗ Lan Hiền, cơ quan chức năng cần tìm hiểu, xác minh những thành phần nào dễ bị lôi kéo vào các hệ phái tôn giáo mới, từ đó tìm hiểu gốc rễ nguyên nhân họ đi theo là gì.

“Nguyên nhân đó có thể là sự xáo trộn trong đời sống xã hội của họ, từ khủng hoảng niềm tin hoặc bất trắc trong cuộc sống. Từ đó phân tích, làm công tác dân vận cho họ hiểu về việc nhà nước không ngăn cấm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng nhưng người dân cần tỉnh táo để nhận ra những tôn giáo chính thống, phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục, pháp luật Việt Nam, qua đó khai mở dần cho người dân” –

bà Hiền phân tích và cho rằng việc cấm đoán trong một số trường hợp sẽ như “đổ thêm dầu vào lửa”.Để khai mở, định hướng người dân theo tôn giáo, tín ngưỡng lành mạnh cần có sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, các tôn giáo chính thống cần đấu tranh, lên tiếng về việc tà đạo nhân danh tôn giáo chính thống.

Coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục

Về hướng xử lý đối với những tổ chức hoạt động tôn giáo lệch lạc, không được cấp phép, PGS- TS Nguyễn Công Lý nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên truyền, giáo dục.

Trong đó, vai trò của mặt trận, của các địa phương là vô cùng quan trọng khi kịp thời phát hiện, can thiệp. Cũng theo ông Lý, hiện tượng mạo danh để hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng nhằm trục lợi hiện khá phổ biến, gây xáo trộn đời sống xã hội, cơ quan chức năng cần làm rõ và xử lý thật nghiêm để chấn chỉnh.

Đối với người dân, bà Đỗ Lan Hiền khuyến cáo nên chủ động trước những lời mời gọi, lôi kéo, truyền bá giáo lý.

“Điều này thực tế không dễ dàng bởi nếu là tầng lớp trí thức thì sẽ sớm nhận ra những điều vô lý, phản khoa học trong cách truyền bá giáo lý của những người đi truyền tà đạo. Nếu chúng ta tỉnh táo, có kiến thức, “chất vấn” lại họ vài câu hỏi là có thể nhận ra có phải tôn giáo chính thống, phù hợp hay không” – bà Hiền nói.

Trước những diễn biến phức tạp của các hệ phái tôn giáo mới có dấu hiệu biến tướng, Ban Tôn giáo Chính phủ kêu gọi người dân nâng cao nhận thức và cảnh giác đối với các hoạt động dụ dỗ, lôi kéo bằng vật chất và những lời tuyên truyền lừa đảo về ngày tận thế, về sự cứu rỗi của đấng linh thiêng bằng việc nộp tiền, từ bỏ cuộc sống hiện thực; từ bỏ gia đình, công việc…

Phú Quốc cảnh giác

Ngày 28-4, UBND huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) có văn bản khẩn gửi các ngành chức năng về việc ngăn chặn truyền bá tà đạo “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ”.

Theo đó, tà đạo này xuất hiện tại một số địa phương như Hải Phòng, Nghệ An, Vĩnh Long, An Giang… và hoạt động có biểu hiện thu lợi bất chính về kinh tế; đi ngược với văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục, gây mất ổn định xã hội.

UBND huyện Phú Quốc yêu cầu chủ tịch UBND các xã, thị trấn, trưởng phòng giáo dục và đào tạo, hiệu trưởng các trường thông báo đến công nhân – viên chức, học sinh có ý thức cảnh giác với tà đạo này.

Bên cạnh đó, nếu phát hiện có dấu hiệu hoạt động của “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” thì báo cáo ngay để có hướng xử lý.

Nhiều tà đạo từng xuất hiện ở Việt Nam

Năm 2001, bà Amí Sara ở buôn Kniết, xã Ea Ktur, huyện Kông Ana, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức sinh hoạt đạo tại nhà. Bà Amí Sara truyền bá việc được Đức Chúa Trời giao nhiệm vụ xuống hạ giới và lôi kéo nhiều người kém hiểu biết đi theo mình, lấy tên là “Hệ phục hưng”.

Quá trình sinh hoạt ở nhóm này còn có biểu hiện tuyên truyền phản động, chống phá chính quyền và trục lợi cá nhân. Hay trên địa bàn huyện Đắk Min, tỉnh Đắk Nông từng xuất hiện tà đạo “Canh tân đặc sủng” do Võ Quốc Khánh cầm đầu.

Khánh sử dụng luận điệu xoa “nước thánh” lên đầu thì sẽ khỏi mọi bệnh tật. Tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, tà đạo “Thanh Hải vô thượng sư” do Nguyễn Thị Thanh Hải tự xưng từng gây nhiều bất ổn về đời sống xã hội địa phương này.

Đặc biệt, năm 2013, Y Gyin – “thủ lĩnh” tà đạo Hà Mòn – đã bị TAND tỉnh Gia Lai tuyên phạt 3 năm tù về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”.

Theo đó, Y Gyin và đồng bọn đã sử dụng nhiều tài liệu gọi là “sứ điệp” để đi truyền đạo trái phép. Nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số vì tin lời mê hoặc của tà đạo này đã bỏ rẫy, bỏ vườn, không cho con cái học hành, chỉ cầu nguyện để được sớm lên thiên đường.

Ngoài ra, tại các tỉnh phía Bắc cũng từng xuất hiện khá nhiều tà đạo, lôi kéo người dân với những giáo lý lệch lạc; có thể kể đến đạo “Long Hoa di lặc” khi truyền bá ai theo đạo này thì phúc đẳng hà sa, còn không sẽ bị chết dịch.

Theo (nld.com.vn)


TOP