Mối nguy hiểm khi tự làm thuốc chữa ho cho trẻ

Mối nguy hiểm khi tự làm thuốc chữa ho cho trẻ

Để chuẩn bị “đón” mùa đông, nhiều bà mẹ tất tả ngâm chanh đào với đường phèn, mật ong hay quất với mật ong, hoa hồng với đường phèn… Đây được cho là bài thuốc hiệu quả, an toàn cho trẻ, tuy nhiên thực tế không hoàn toàn như vậy.

Theo PGS- TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai: Sử dụng bài thuốc dân gian rất tốt nhưng không ít trẻ đã phải cấp cứu do bị ngộ độc thuốc Đông y chế biến từ dược liệu “bẩn”. Thậm chí có trẻ nhiễm những bệnh mãn tính bởi những liều thuốc do chính tay cha mẹ làm có nguyên liệu không “sạch”.

PGS- TS Trần Văn Ơn, Trưởng bộ môn Thực vật, Đại học Dược Hà Nội lý giải: Dược liệu có các yếu tố gây hại từ viêc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu độc hại hoặc kim loại nặng… thì khi sử dụng lâu ngày, tích tụ trong người gây sẽ ra các vấn đề về sức khỏe dù có thể đã chữa được một loại bệnh nào đó. Như vậy là “lợi bất cập hại.” “Đây là vấn đề lớn và nhức nhối nhất khi chúng ta không kiểm soát được nguồn gốc vì giá lại quá rẻ. Khoảng chục năm trở lại đây, theo kinh nghiệm của thầy thuốc là phải tăng liều lên khoảng 3 lần thì mới có tác dụng như ngày xưa”.

Theo nghiên cứu của Viện Dược liệu, 90% thuốc Bắc trên thị trường được nhập khẩu từ Trung Quốc không có nhãn mác. Sau khi kiểm tra, chỉ riêng các cơ sở khám chữa bệnh Đông y của nhà nước cho thấy có đến 60% thuốc không bảo đảm chất lượng, trong đó 20% bị trộn lẫn rác, dược liệu giả. Thậm chí, trong thuốc có cả cát và xi măng.

Cùng đó, nhiều loại nguyên liệu thật nhưng nếu không được kiểm soát tốt ngay từ giống, quá trình trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến… thì cũng có nguy cơ ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ người sử dụng.

PGS- TS Nguyễn Tiến Dũng: Việc sử dụng siro ho là rất tốt nhưng điều quan trọng là nguồn dược liệu phải sạch (Ảnh T.L)

PGS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, không phải cứ ho là sử dụng kháng sinh, việc sử dụng những loại siro ho bằng thảo dược rất tốt và được khuyến khích từ lâu. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất hiện nay là nguồn gốc của nguyên liệu.

“Việc nghiên cứu về si rô ho chế biến từ Đông dược, chúng tôi đã làm từ lâu, nhưng gần đây các bà mẹ cũng ngại vì họ lo nguồn gốc không đảm bảo, sợ có thuốc sâu… Nếu có những sản phẩm làm từ hoa hồng, lá húng chanh, quả quất… được trồng đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, “sạch” uống vào hiệu quả, không độc hại thì tôi nghĩ họ sẽ tin tưởng sử dụng để hạn chế lạm dụng kháng sinh”.

Bà Hoàng Thị Thu Hương, cán bộ điều phối của BioTrade cho biết: Sạch là tiêu chuẩn đầu tiên để làm thuốc. Sạch tức là yêu cầu giống sạch, nước sạch, đất sạch, quá trình canh tác sạch, thu hái sạch, đến nhà máy đạt tiêu chuẩn và đến tay người tiêu dùng thì sản phẩm mới đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng.

Tại Việt Nam từ tháng 4-2016 bắt đầu triển khai Dự án BioTrade nhằm phát triển 50 chuỗi giá trị dược liệu sạch, an toàn, bền vững. Đây là dự án do tổ chức phi chính phủ HELVETAS của Thụy Sỹ và Liên minh Châu Âu tài trợ với mục đích xây dựng các vùng dược liệu sạch, có chất lượng ổn định; đồng thời bảo tồn các cây làm thuốc ở Việt Nam không bị mất nguồn gen quý hiếm thông qua trồng trọt và thu hái bền vững.

Hiện Dự án BioTrade đang triển khai vùng dược liệu quất tại xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định để cung cấp nguyên liệu làm siro ho. Vùng trồng quất này đã được thẩm định từ tháng 9-2017 đạt tiêu chuẩn: Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO).

Theo T.AN( Pháp Luật)


TOP