Chàng trai Nam Định đốt “đuốc hy vọng” cho trẻ em đường phố

Chàng trai Nam Định đốt “đuốc hy vọng” cho trẻ em đường phố

GD&TĐ – “Đuốc hy vọng”, đó là cách mà Đỗ Duy Vị ví von mỗi lần tiếp cận trẻ em đường phố để đưa chúng trở về từ một thế giới hoàn toàn khác lạ.

Nếu không được giúp đỡ, nhiều trẻ lang thang đường phố dễ trở thành mối nguy của xã hội. Ảnh: Blue Dragon.

“Thế giới của những đứa trẻ đường phố hoàn toàn khác chúng ta. Phải nói chính xác là như vậy, chúng không chỉ khổ vì vật chất, phải lao mình theo những cám dỗ, sa ngã, hắt hủi, bạo hành… nếu muốn tồn tại. Chúng khổ thể xác một thì khổ nội tâm mười”, anh Đỗ Duy Vị thuộc Tổ chức Blue Dragon (Rồng Xanh) cho biết.

Cạm bẫy đường phố

Blue Dragon là một tổ chức phi chính phủ được thành lập tại Việt Nam vào tháng 2/2003 với mục tiêu giúp đỡ trẻ em đường phố và trẻ em là nạn nhân của các đường dây buôn người. Đỗ Duy Vị hiện là quản lý mảng trẻ em đường phố của tổ chức này. Trước khi là thành viên, rồi trở thành quản lý, Vị đã trải qua những tháng ngày phiêu bạt, là một trẻ em đường phố đúng nghĩa.

Vị sinh năm 1987 tại Xuân Trường (Nam Định). Năm 14 tuổi, Vị rời quê lên Hà Nội làm nghề đánh giày với suy nghĩ giản đơn: Làm việc để kiếm tiền cho gia đình, để cuộc sống giàu có sung túc hơn. Nhưng bản thân Vị rất nhanh chóng nhận thấy suy nghĩ ấy không ổn chút nào.

Việc đánh giày không đơn thuần, mà xung quanh công việc ấy là một “núi” những phức tạp, tranh đấu và thậm chí rất có nguy cơ trở thành tội phạm.

Những trận đòn dằn mặt từ “đồng nghiệp”, những dọa nạt từ bọn bảo kê phân chia địa bàn, những rủ rê chèo kéo trẻ em phạm tội trộm cắp, cướp giật. Đặc biệt, những cám dỗ rất dễ để một đứa trẻ dính vào ma túy. Bọn “ma cô” luôn lợi dụng những đứa trẻ như Vị để “giao hàng”, hoặc làm một điều gì đó xấu xa.

Những đứa trẻ đường phố – khi không thể về gia đình, sẽ được Blue Dragon tạo cơ hội mới tạo lập cuộc sống.

Vị may mắn không đi vào con đường ấy, nhưng cậu thiếu niên nhận thấy xung quanh mình, những “đồng nghiệp” của mình đã sa ngã như thế nào, nguy hiểm vùi dập cuộc đời bọn trẻ đường phố ra sao. Tất cả mỏng manh như tờ giấy mà chỉ cần một cái gật đầu, thì coi như cuộc đời của đứa trẻ ấy đã rẽ sang hướng đi khác không thể quay lại.

Không biết cuộc đời Vị sẽ thế nào nếu cứ mãi theo con đường của chúng bạn. Đã có lúc Vị tự hỏi: Tại sao mình lại đi đánh giày trong khi bạn bè cùng lứa vẫn tung tăng đến trường? Vị hỏi vậy, chứ thực ra đó là công việc cậu đã chọn. Chỉ là lúc này, cậu bé nhận thấy giá trị của tri thức nên niềm khao khát được đi học và mong có một cơ hội trở lại với sách vở.

May mắn đến với Vị trong một lần cất tiếng mời một vị khách nước ngoài đánh giày. Vị khách đó tên là Michael Brosowski, người Sydney đang là giáo viên dạy tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Vị không xòe tay xin tiền như các “đồng nghiệp” khác, mà muốn kiếm sống bằng nghề một cách trung thực.

Michael Brosowski nhận thấy điều đó, và sau cuộc đánh giày, ông đã mời Vị tham gia vào lớp học tiếng Anh dành cho trẻ em đường phố.

“Đuốc hy vọng” cho trẻ em lang thang – đường phố

Lúc đầu, Vị không thể biết rằng thầy giáo người nước ngoài này đã thắp sáng “đuốc hy vọng” cho cuộc đời cậu. Vì sợ bị lừa theo thói quen cảnh giác mà Vị có được sau những năm tháng lang thang, nên khi một người nước ngoài mời đến lớp học đã khiến Vị tự đặt câu hỏi về lòng tốt.

Vị rủ một người bạn cùng đến, những ngày đầu cậu bé không học được gì ngoài để cái bụng được no phở. Vị không đến trường như các bạn mà đầu tư vào học tiếng Anh, tin học, lập trình web, sau đó học nghề khách sạn. Cậu được Michael xin việc giúp, dần lên chức bar trưởng rồi trở thành giám sát tại một khách sạn 5 sao gần Hồ Tây. Ở tuổi 25, chàng trai có lương cao, môi trường làm việc với người nước ngoài cùng cơ hội thăng tiến.

Thế nhưng Vị không theo con đường hứa hẹn sẽ đem lại cho bản thân cuộc sống giàu sang. Vị không quên ơn Michael, không quên “đuốc hy vọng” nên anh quay trở lại Blue Dragon cùng người thầy của mình đi khắp các ngóc ngách thu nạp trẻ em lang thang, thắp cho họ hy vọng sống và tạo lập cuộc sống mới.

Trong số hàng trăm đứa trẻ đã được Blue Dragon giúp đỡ 18 năm qua, Vị ám ảnh và cũng ấn tượng nhất về trường hợp của Kha – cậu bé 12 tuổi lang thang ngoài phố vì mẹ bỏ đi, bố nghiện rượu. Kha thường lang thang quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, các bến xe và bị xâm hại bởi rất nhiều kẻ ấu dâm đồng tính.

Kha là đứa trẻ đường phố mà Vị cho là lạ lùng chưa từng có. Dù lang thang nhưng Kha không bao giờ xin tiền, không sống vì tiền, hành động cũng không vì tiền. Bản thân Vị và Tổ chức Blue Dragon đã tìm mọi cách có thể giúp đỡ mà không thay đổi được thằng bé.

Câu chuyện đã trôi qua gần 6 năm, nhưng Vị không thể quên mỗi lần Kha đi với những đối tượng lạm dụng tình dục, sau đó gọi điện cho Vị chỉ để khóc. Dù không biết bao nhiêu lần Vị khuyên thằng bé đừng đi với những đối tượng đó, nhưng rồi đâu lại vào đó. Vị nghĩ rằng, không có hy vọng thay đổi thì đồng thời nhận ra “thằng bé cần một người bạn”.

Vị đã kiên trì và rất thành thật để làm bạn với thằng bé. Năm 2018, những đối tượng xâm hại tình dục nam trẻ em bị công an bắt. Từ đó Kha thay đổi, thằng bé đến nhà nội trú thay vì đi bụi. Vị lờ mờ hiểu ra lý do thằng bé luôn đi theo những kẻ lạm dụng nó như một cách trừng phạt bản thân.

Từ những biến cố xảy ra trong gia đình, Kha phiêu dạt để rồi nhiều lần tự hại mình. Trong sự chân thành của mọi người, Kha dần thay đổi và quên đi những ký ức đau buồn. Kha học nghề cắt tóc, tham gia với Vị vào đội tìm kiếm giúp đỡ trẻ đường phố.

Đưa trẻ về với gia đình

Tổ chức Blue Dragon cho rằng: “Gia đình là nơi an toàn nhất cho trẻ” nên luôn tìm cách đưa trẻ em về với gia đình.

Vị bảo, mỗi đứa trẻ lang thang là một bi kịch, mà bi kịch chủ yếu phát xuất từ gia đình. Không biết bao nhiêu lần Vị phải đến tận nhà của những đứa trẻ khuyên bảo và yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động ngược đãi trẻ em. Có những người hiểu ra và sửa chữa, nhưng cũng có người không hiểu những giá trị sống mà Vị nói đến.

“Có những đứa trẻ khi mình đưa về nhà, các em lại chỉ lòng vòng không muốn vào, thậm chí không dám vào. Đối với trẻ lang thang, sự tổn thương trong tâm hồn quá lớn khiến các em chán ghét và mặc cảm với chính bản thân mình”, Vị nói.

Đại diện Blue Dragon cho hay, không chỉ hướng đến trẻ em đường phố, tổ chức còn quan tâm đến lựa chọn giải cứu trẻ em khỏi đường dây buôn bán người. Từ năm 2020, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, nhiều trẻ em bị đẩy ra đường kiếm sống, một số trẻ em bị lừa bán sang nước ngoài.

“Trong tháng 4 và tháng 5/2020, chúng tôi phải cùng lúc hỗ trợ nhiều gia đình nghèo bị ốm đi viện, lo tiền nhà, tiền học để những đứa trẻ không phải “ra đường”. Những gia đình này đa phần sống ở các khu ổ chuột ven sông, không có giấy tờ nên không tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước”, anh Đỗ Duy Vị cho biết.

Năm ngoái, Phèn và Dú quê Điện Biên thấy trên mạng xã hội đăng tuyển công nhân lựa tôm ở Kiên Giang nên đã vượt hơn 2.000km vào xin việc. Đến nơi, thay vì được lựa tôm Phèn và Dú bị trói, nhóm người dùng súng đe dọa phải ký vào hợp đồng vay tiền để trả chi phí môi giới việc làm. Hai thiếu niên bị bắt phải lên thuyền ra khơi.

Đến ngày thứ năm một ngư dân trên thuyền tiết lộ, lúc ra khơi chủ tàu sẽ bán hai cậu cho tàu khác và bị bóc lột trên biển. Chính người này đã cho Phèn mượn điện thoại gọi về báo gia đình, sau đó được kết nối với Tổ chức Trẻ em Blue Dragon hướng dẫn cách bỏ trốn.

“Chúng em sợ nếu ra khơi sẽ không bao giờ nhìn thấy đất liền nữa”, Phèn nói khi được giải cứu hồi cuối tháng 6/2020.

Mục tiêu của chúng tôi là tìm cách đưa các em trở về gia đình, bởi đó là môi trường tốt nhất. Tuy nhiên, không phải em nào cũng có thể quay về vì người thân không mở vòng tay yêu thương. Khi đó, chúng tôi sẽ phải tìm cho các em cơ hội khác để tránh tổn thương và giúp các em không đi vào con đường xấu. Anh Đỗ Duy Vị (Tổ chức Blue Dragon).

Tags:

TOP