Điểm sáng trong phát triển khu công nghiệp tại Nam Định

Điểm sáng trong phát triển khu công nghiệp tại Nam Định

Với những lợi thế về hệ thống giao thông thuận tiện, nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Hồng, lực lượng lao động dồi dào… tỉnh Nam Định đã đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp (KCN). Qua hơn 14 năm, nhiều KCN đã đi vào hoạt động, đạt hiệu quả cao và tỉnh Nam Định đang tích cực triển khai các cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả các KCN.

KCN Bảo Minh (huyện Vụ Bản) là một trong ba KCN đầu tiên của tỉnh Nam Định đi vào hoạt động. Thành lập năm 2007, bắt đầu đón doanh nghiệp (DN) đầu tiên từ năm 2012, đến nay, KCN Bảo Minh đã đạt tỷ lệ lấp đầy 100%. “Những lô đất cuối cùng trong KCN đã được nhà đầu tư thứ cấp thuê và bắt đầu xây dựng nhà xưởng, đánh dấu thời điểm KCN Bảo Minh được lấp đầy hoàn toàn”, ông Nguyễn Hưng Nhân, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng KCN Bảo Minh cho biết.

Khu công nghiệp Bảo Minh (tỉnh Nam Định), điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bước vào trong KCN, có thể cảm nhận rõ sự quy củ, chuyên nghiệp của một khu vực sản xuất hiện đại. Hệ thống đường giao thông nội bộ được xây dựng khang trang, nhà xưởng ngăn nắp, rộng rãi. Mặc dù tập trung nhiều nhà máy sản xuất nhưng môi trường, không khí trong KCN rất trong lành, nước thải sau khi xử lý được dẫn ra hệ thống kênh mương, bảo đảm an toàn để tái sử dụng. Định hướng là KCN chuyên về dệt may, đến nay, 11/13 DN đang hoạt động tại Bảo Minh thuộc lĩnh vực này. Một điểm đặc biệt khác của KCN Bảo Minh là thu hút được số lượng lớn DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với 12/13 DN.

Thành công trong thu hút đầu tư vào KCN Bảo Minh đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm để tỉnh Nam Định đẩy mạnh phát triển KCN. Theo ông Nguyễn Hưng Nhân, trước hết cần để nhà đầu tư nhìn thấy những lợi thế của KCN Bảo Minh so với những nơi khác. Lợi thế có thể nhìn thấy rõ là kết nối giao thông thuận tiện, KCN nằm ngay trên Quốc lộ 10 kết nối với Quốc lộ 1 từ Ninh Bình qua Nam Định, Thái Bình đi Hải Phòng. “DN đầu tư sản xuất tại KCN Bảo Minh rất thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa, giúp họ giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, lực lượng lao động tại địa phương rất dồi dào, đã được đào tạo. Nhà đầu tư thứ cấp khi đến tìm hiểu tại Nam Định đều thấy rõ cơ chế, chính sách thu hút thông thoáng của địa phương cũng như tính chuyên nghiệp của chủ đầu tư tại KCN này”, ông Nguyễn Hưng Nhân chia sẻ.

Trong số 9 KCN của tỉnh Nam Định đã được phê duyệt quy hoạch, hiện có 3 KCN đã đi vào hoạt động là Hòa Xá, Mỹ Trung, Bảo Minh. Trong đó ngoài KCN Bảo Minh thì KCN Hòa Xá cũng đã lấp đầy 100%. Hiện nay, KCN Dệt may Rạng Đông với diện tích 600ha, lớn nhất trong các KCN của tỉnh đang được xây dựng hạ tầng. Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2020, Nam Định tiếp tục thu hút đầu tư vào KCN Mỹ Thuận, nằm trên đường Nam Định-Phủ Lý (Hà Nam), kết nối với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình. Một điểm dễ nhận thấy là các KCN của tỉnh Nam Định đều có hệ thống giao thông kết nối thuận lợi, nằm trên các trục đường huyết mạch. Bên cạnh đó, tỉnh Nam Định cũng dành nhiều chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN cũng như nhà đầu tư thứ cấp. Ông Trần Minh Hoan, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định cho biết, hệ thống hạ tầng như đường giao thông, điện, thông tin liên lạc đều được tỉnh đầu tư đến hàng rào KCN, cùng các chính sách ưu đãi về miễn tiền thuê đất; miễn giảm thuế thu nhập DN và hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách với chi phí san lấp mặt bằng, xây dựng trạm xử lý nước thải…

Không chỉ đạt tỷ lệ lấp đầy cao, số vốn thực hiện của nhà đầu tư tại các KCN của Nam Định cũng rất ấn tượng. Nhà đầu tư hạ tầng KCN đăng ký số vốn là hơn 13 nghìn tỷ đồng và hơn 668 triệu USD, đã thực hiện hơn 5.000 tỷ đồng và hơn 443 triệu USD. Thu hút đầu tư mạnh mẽ vào các KCN góp phần thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp của tỉnh, riêng trong 9 tháng năm 2017, sản xuất công nghiệp tăng hơn 118% so với năm 2016, đạt giá trị 16.500 tỷ đồng. Định hướng phát triển KCN tập trung cũng góp phần giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động địa phương với hơn 36.000 người làm việc thường xuyên, mức thu nhập bình quân đạt gần 5 triệu đồng/người/tháng. Cùng với chú trọng đào tạo nghề cho người lao động, tỉnh Nam Định cũng rất quan tâm xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Đó là một trong những cơ sở để các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh tiếp tục đi vào thực chất, hứa hẹn mang đến kết quả tích cực hơn nữa.

Theo Hưng Minh( quân đội nhân dân)


TOP