Đỉnh cao của Dệt Nam Định là giai đoạn có tới 18.000 nhân viên, cứ 10 người dân thành phố thì có một nhân viên nhà máy.
Toàn bộ Nhà máy Nhuộm và một phần khu Nhà máy Dệt thuộc Tổng công ty Dệt may Nam Định (Dệt may Nam Định) phía Bắc đường Trần Phú đang trong những giai đoạn phá dỡ cuối cùng để di dời sang khu công nghiệp Hòa Xá.
Ngồi trong căn phòng xây từ thời Pháp thuộc, bên cạnh tiếng máy phá dỡ, ông Nguyễn Văn Miêng – Tổng giám đốc Dệt May Nam Định vẫn hào hứng khi kể về những tháng ngày “vàng son” của công ty.
Ông Miêng cho biết, giai đoạn đỉnh cao là những năm sau Thống nhất đất nước 1975. Khi đó, Dệt Nam Định có hơn 18.000 người, tương đương 10% dân số thành phố. Số cán bộ nhân viên thời đó còn gấp 3,5 lần hiện tại. “Là một phần không thể thiếu của kinh tế Nam Định, mỗi khi đến ngày phát lương của nhà máy là mặt bằng giá cả thành phố biến động, do người dân đổ xô đi mua bán”, ông kể.
Với mỗi người dân Nam Định, thời kỳ nhà máy Dệt ăn nên làm ra, họ luôn tự hào cho rằng kinh tế thành phố chỉ thua “người anh cả” Hà Nội chứ không kém ai ở phía Bắc. Gia đình nào có 2 người được trong biên chế nhà máy đều có cuộc sống khấm khá và được hàng xóm ghen tỵ.
Ngay từ khi thành lập cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Dệt Nam Định được biết đến là nhà máy lớn nhất Đông Dương. Năm 1900, một số tư bản Pháp trong Công ty bông – vải – sợi Bắc Kỳ, đứng đầu là Dupré đã hùn vốn với một tư bản người Hoa sản xuất, kinh doanh tại đây. Năm 1924, số công nhân của nhà máy đã lên tới 6.000 người…
Cùng với Tháp Phổ Minh (nằm trong khu di tích đền Trần – Chùa tháp), Nhà máy Dệt là một trong hai địa danh ở Nam Định được in trên đồng tiền mệnh giá 100 đồng và 2.000 đồng của Việt Nam… Cũng chính nhà máy dệt này trong một thời kỳ dài đã đưa Nam Định vào Top 3 thành phố công nghiệp lớn nhất miền Bắc. Nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng 3 lần về thăm. Không ít cán bộ, công nhân của nhà máy từng được bầu làm đại biểu Quốc hội.
Dệt Nam Định cũng là một trong những nhà máy đầu tiên của Việt Nam xây dựng mô hình khép kín giữa nhà xưởng sản xuất và hệ thống nhà ở xã hội, gồm nhà ở cho công nhân, nhà trẻ, lớp học, bệnh viện… Tại Nam Định, rất nhiều thế hệ đã được sinh ra từ Bệnh viện Dệt may, lớn lên từ những nhà trẻ Dệt.
Ông Trần Tuấn Anh (phố Hàn Thuyên, thành phố Nam Định) cũng kể, thời những năm 90, gia đình nào có người làm ở nhà máy Dệt là rất đỗi tự hào vì lương cao, đời sống tốt. “Lương cao, Tết nhất tha hồ sắm sửa chứ không như mức lương hiện nay”, ông nói.
Thực tế, trong gần chục năm nay, nhà máy gặp khó khăn và hiệu quả kinh doanh đi xuống. Nếu như thời kỳ đỉnh cao, công ty có tới 18.000 người thì nay chỉ còn khoảng 5.000 công nhân, cán bộ. Phần lớn đã bỏ nghề vì lương quá thấp. Với mức doanh thu trên dưới 800 tỷ đồng, hai năm gần đây, công ty chỉ lãi 13-18 tỷ đồng. Trong khi đó, thu nhập bình quân tháng của nhân viên chỉ ở mức 3,4 triệu đồng.
Chia sẻ với VnExpress, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Văn Miêng thừa nhận hoạt động kinh doanh những năm qua “đuối” hơn rất nhiều so với trước. Một trong những lý do ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, theo ông Miêng, là thông tin về việc Nhà máy Dệt phải di dời.
Thực tế, từ năm 2005, khi được xác định là một trong những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhà máy có quyết định di dời ra khỏi nội đô. “Các quyết định này đã tạo tâm lý không tốt. Các nhà đầu tư lo ngại không biết có ổn định được lâu không. Muốn phát triển thì phải thay đổi công nghệ, phải có tiền trong khi việc vay mượn tại các ngân hàng lại khó khăn”, ông Miêng nói.
Do đó, theo lãnh đạo Dệt may Nam Định, nguồn tiền từ chuyển mục đích sử dụng đất tại cơ sở cũ – nơi được bàn giao để xây khu đô thị – là một trong những giải pháp giúp công ty phục hồi. Không công bố chi tiết số tiền được nhận từ việc chuyển giao này nhưng vị CEO cho biết, Dệt Nam Định đã được ứng 70 tỷ để xây dựng nhà máy Nhuộm và đơn vị chuẩn bị đầu tư thêm nhà máy Sợi.
“Không thể nói là phá bỏ nhà máy cũ mà là Dệt Nam Định chuyển mình sang một trang sử mới, di dời những bộ phận gây ô nhiễm, gỡ bỏ những gì cũ kỹ, lạc hậu. Tôi đảm bảo lương công nhân, hiệu quả, doanh thu của nhà máy không giảm và mọi hoạt động sản xuất được đảm bảo ổn định”, ông Miêng cho biết.
Vị tổng giám đốc này tự tin lợi nhuận sẽ tăng 50% trong một hai năm tới khi 3 nhà máy Nhuộm, Sợi và Dệt hoạt động ổn định. “Doanh thu về dệt, sợi chắc chắn phải bằng 170-180% hiện nay”, ông nói.
Xem thêm: Tạm biệt nhà máy dệt lớn nhất Đông Dương
Nhà máy Dệt Nam Định viết tiếp trang sử mới
Kỷ vật thời chống pháp của nhà máy Dệt Nam Định
Chuyện ít biết về thời vàng son của nhà máy dệt Nam Định
Trần Huấn & Thanh Lan – vnexpress
- Nam ca sĩ hai lần hát trong đám cưới “khủng” 100 cây vàng ở Nam Định là ai?
- Bánh khúc Thành Nam
- Kỷ lục: Bé trai sơ sinh nặng 7,1 kg
- Vũ Khắc Tiệp lần đầu kể lại quãng thời gian bị Ngọc Trinh ‘từ mặt’
- Đặc sắc trống hội cà rùng ở Hải Hậu
- Tết về trên vườn cây cảnh Thành Nam
- Thơ mộng bãi biển Thịnh Long – Nam Định
- Nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Nam Định tố bị giả mạo chữ ký
- Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Quốc Gia : Phủ Quảng Cung
- Giữ người trái pháp luật để đòi nợ
- Những công trình có kiến trúc đặc trưng nhất tại Nam Định
- Nam Định: Khởi tố đối tượng 17 tuổi đâm chết người vì ghen
- Nam Định: côn đồ mang dao phóng lợn vào tận nhà dân truy sát dã man
- Người đàn ông tử vong bí ẩn dưới sông, vỡ hộp sọ
- Nhà máy dệt Nam Định xưa
- Tạm giữ nữ giúp việc mở két sắt lấy 100 triệu đồng
- Chưa thông qua Luật đặc khu, Quốc hội kêu gọi nhân dân bình tĩnh
- Nam Định: Đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ
- Giang hồ 9X đâm chết người trong đám cưới ở Nam Định
- Nam Định: Hội Phủ Dầy
- Khám phá Nam Định – Phần 1
- Không “nương tay” bất kỳ sai sót nào khi thi công cầu Thịnh Long