Nghĩa Hưng: Chủ động phòng, chống rét bảo vệ đàn gia súc, gia cầm

Nghĩa Hưng: Chủ động phòng, chống rét bảo vệ đàn gia súc, gia cầm

Tỉnh ta hiện có gần 780 nghìn con lợn, 38 nghìn con trâu, bò và 7,34 triệu con gia cầm. Nhằm chủ động phòng chống rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, trong mùa đông năm nay, các địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai nhiều biện pháp với quyết tâm bảo vệ an toàn đàn vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi.

Người chăn nuôi xã Hoàng Nam (Nghĩa Hưng) sử dụng đèn sưởi, đảm bảo đủ ấm cho gà con trong mùa rét.

Những năm gần đây, thời tiết mùa đông thường diễn biến phức tạp, rét đậm, rét hại kéo dài nhiều ngày kèm theo mưa phùn, độ ẩm cao, làm cho vật nuôi tiêu tốn năng lượng, giảm sức đề kháng, nguy cơ mắc dịch bệnh rất cao.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, vụ đông xuân 2017-2018 khả năng là mùa đông xuân rét, nhiệt độ trung bình toàn mùa xấp xỉ hoặc thấp hơn trung bình nhiều năm với nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài.

Với tinh thần phòng hơn chống, ngay từ đầu tháng 12-2017, các huyện, thành phố thường xuyên cập nhật diễn biến khí hậu, thông tin kịp thời để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong việc phòng chống đói, rét cho vật nuôi.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn chỉ đạo hệ thống thú y, khuyến nông cơ sở… tăng cường kiểm tra, giám sát việc phòng, chống rét và dịch bệnh, kiểm tra vệ sinh thú y; hướng dẫn, hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ đàn gia súc, gia cầm.

Xã Hoàng Nam là địa phương phát triển chăn nuôi lớn nhất huyện Nghĩa Hưng với 2.500 con lợn, 50 nghìn con gia cầm và 400 con trâu, bò, dê.

Để bảo vệ đàn vật nuôi, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, người chăn nuôi trong xã đã chú trọng đến việc phòng, chống rét cho trâu, bò khi thời tiết chuyển mùa bằng cách chủ động thu gom, tích trữ rơm, rạ làm thức ăn dự trữ trong mùa rét, tiến hành che chắn chuồng trại để tránh gió lùa và tiêm phòng vắc-xin đầy đủ theo hướng dẫn của cán bộ thú y.

Trong nhiều năm qua, ở Hoàng Nam không xảy ra hiện tượng gia súc, gia cầm ốm chết do đói rét trong mùa đông. Đồng chí Trần Duy Nhiệm, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã luôn xác định việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác phòng, chống rét và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm của địa phương.

Vì vậy, dịp này trong những buổi giao ban với các bí thư chi bộ và trưởng xóm hằng tháng, UBND xã đều nhấn mạnh việc chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi trong vụ đông xuân để cán bộ xóm về triển khai tại các địa bàn phụ trách.

Trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Văn Khản, thôn Chương Nghĩa nuôi kết hợp cả lợn, gà và vịt. Ông Khản cho biết: “Qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là hệ thống Đài truyền thanh xã thông báo về tình hình rét đậm, rét hại và các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, gia đình chủ động gia cố, tu sửa, che chắn chuồng trại, chuẩn bị đầy đủ nguồn thức ăn dự trữ, thực hiện chế độ chăn nuôi an toàn sinh học.

Đồng thời bổ sung các vitamin tổng hợp, khoáng chất vào chế độ dinh dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Hiện nay, đàn vật nuôi của gia đình đang được bảo vệ an toàn”.

Không chỉ xã Hoàng Nam, tại nhiều địa phương trong tỉnh, công tác tuyên truyền phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm được thực hiện liên tục lồng ghép trong các cuộc họp với dân. Nội dung tuyên truyền tập trung vào vận động các hộ chăn nuôi chủ động tích trữ nguồn thức ăn tinh, thức ăn thô, khô (rơm, rạ, cỏ) ngay sau khi thu hoạch lúa mùa và bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp làm thức ăn cho gia súc trong những ngày giá rét.

Hướng dẫn các hộ chăn nuôi đảm bảo cân đối khẩu phần dinh dưỡng, đủ vitamin, muối và các chất khoáng trong thức ăn, cho gia súc uống nước ấm pha muối loãng khi thời tiết rét đậm, rét hại để tăng sức đề kháng, tăng khả năng chống bệnh tật cho gia súc.

Tranh thủ những ngày thời tiết nắng ráo vừa qua, các hộ chăn nuôi đã cải tạo, sửa chữa chuồng trại cao ráo, chắc chắn, đảm bảo tránh mưa tạt, gió lùa và xung quanh luôn được che chắn, thường xuyên giữ nền chuồng khô ráo, sạch sẽ.

Để công tác phòng, chống rét và dịch bệnh lây lan cho gia súc, gia cầm đạt hiệu quả cao, ngành NN và PTNT đã khuyến cáo các hộ chăn nuôi không cho trâu, bò làm việc, chăn thả tự do ngoài trời khi thời tiết rét đậm, phải nhốt trong chuồng có kiểm soát.

Đối với những gia súc lớn như trâu, bò, dê sử dụng các loại chăn cũ, bạt, bao tải gai… che gió nhằm giữ ấm cho gia súc. Có thể sử dụng bóng điện hay đốt lửa sưởi cho vật nuôi trong chuồng nuôi bằng trấu, mùn cưa, than củi… Đặc biệt đối với gia súc, gia cầm non cần phải có ô úm riêng, có bóng điện sưởi đảm bảo nhiệt độ trong ô úm từ 22-280C.

Thời gian này thường xảy ra hiện tượng mưa phùn gió lạnh, nhiệt độ xuống thấp làm cho cơ thể vật nuôi tốn nhiều năng lượng để chống rét dẫn đến giảm sức đề kháng của cơ thể, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm có điều kiện bùng phát như: bệnh hen suyễn lợn, bệnh lợn con ỉa phân trắng, bệnh tụ huyết trùng, bệnh lở mồm long móng trên gia súc, bệnh gà rù, bệnh hen gà… nên các hộ chăn nuôi cần chuẩn bị đầy đủ thuốc thú y.

Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn vật nuôi để tăng khả năng miễn dịch chủ động cho đàn vật nuôi. Thường xuyên quét dọn sạch sẽ khu chăn nuôi và môi trường xung quanh, khơi thông cống rãnh, định kỳ phun thuốc sát trùng chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi 1-2 lần/tuần để tránh các loại vi khuẩn gây hại xâm nhập.

Thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình sức khỏe gia súc, gia cầm. Nếu phát hiện dấu hiệu bệnh phải tiến hành cách ly ngay và báo cho thú y cơ sở, tuyệt đối không ăn thịt gia súc, gia cầm ốm chết. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động của các cấp và ngành chuyên môn đã giúp nâng cao nhận thức và kiến thức phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm của các hộ chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Quyền, xóm 7A, xã Yên Quang (Ý Yên) cho biết: Hiện nay, gia đình ông đang nuôi 10 con trâu, đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Vì vậy, bảo vệ an toàn cho đàn trâu chính là bảo vệ tài sản của gia đình.

Gia đình ông đã chủ động che chắn chuồng trại; rơm, cỏ được thu gom, phơi khô, gác lên cẩn thận, đủ để đàn trâu ăn trong vài tháng khi thời tiết giá lạnh; mặc áo chống rét bằng bao tải. Trong thức ăn và uống đều sử dụng nước ấm và có bổ sung muối ăn…

Cùng với hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng chống rét, hệ thống thú y từ tỉnh đến các địa phương tăng cường cán bộ về cơ sở kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Qua kiểm tra thực tế đến nay đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn được đảm bảo an toàn.

Với sự chủ động, tích cực trong chỉ đạo của chính quyền các địa phương cùng với ý thức của người dân trong việc phòng, chống rét cho đàn vật nuôi, các địa phương trên địa bàn tỉnh chắc chắn sẽ đạt mục tiêu phát triển ổn định tổng đàn gia súc, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do tác động của thời tiết gây ra, bảo đảm lợi ích kinh tế cho người dân./.

Bài và ảnh: NGỌC ÁNH( báo nam định)


TOP