'Quan bố' có con thăng tiến siêu tốc: Bao giờ như xưa...

‘Quan bố’ có con thăng tiến siêu tốc: Bao giờ như xưa…

Chừng nào các vị lãnh đạo đủ dũng khí, chấp nhận không o bế con cháu mình thì những hệ lụy buồn như hiện nay mới không còn.

Trước trường hợp con trai của một số vị lãnh đạo tỉnh thăng tiến siêu tốc, sai quy trình khiến dư luận xôn xao thời gian qua, ông Nguyễn Anh Sơn, nguyên ĐBQH khóa XIII khẳng định, bất kỳ người làm cha, làm mẹ nào cũng lo cho con, muốn con thành đạt.

Tuy nhiên, ông làm thử một phép so sánh về cách ứng xử của các bậc cha mẹ, những người làm lãnh đạo trước đây với bây giờ để rồi nuối tiếc “bao giờ cho đến ngày xưa…”.

Nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định nhắc lại Luật Hồi tỵ được ban hành từ thời vua Lê Thánh Tông đến thời vua Minh Mạng cấm bổ nhiệm con cháu, người ruột thịt trong địa bàn mà vị quan đó đứng đầu.

Rồi những tấm gương như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp… không đặt con cháu mình vào chỗ nào.

Đến những năm 60, 70, thậm chí 80 của thế kỷ trước, các ông bố, bà mẹ, đặc biệt là các vị lãnh đạo rất gương mẫu. Không phải họ không lo cho con cái mà lo có chừng mực.

“Tôi nhớ ngày xưa bác ruột tôi, là thường vụ tỉnh ủy, Trưởng ty công an (Giám đốc sở công an bây giờ – PV) nhưng con cái không học hành đến nơi đến chốn, trong đó có một anh đi bộ đội.

Khi bác tôi nghỉ hưu, một người xưa là lính của ông, khi ấy đã làm giám đốc sở, đến chơi và bảo xin cho anh đó chuyển ngành sang công an nhưng bác tôi từ chối”, ông Nguyễn Anh Sơn kể.

Ông Nguyễn Anh Sơn, nguyên ĐBQH khóa XIII. Ảnh: Dân trí

So sánh sự thương con, lo cho con có chừng mực của người xưa, ông nói rằng bây giờ đã rất khác. Một thực tế là, cùng con người có trình độ, năng lực như nhau, cùng tuổi tác, nhưng nếu là con lãnh đạo thì lên rất nhanh, còn nếu là con nhân viên, nông dân, công nhân thì “khươm mươi niên”, thậm chí không có cơ hội thăng tiến.

“Những trường hợp thăng tiến thuận lợi trước hết do họ là con ông cháu cha. Có câu chuyện rất buồn là cấp dưới cũng tranh thủ, tạo điều kiện cho con cháu lãnh đạo để bản thân mình được lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện trở lại.

Tình trạng ấy rất phổ biến ở các địa phương và bây giờ người ta mặc nhiên công nhận.

Một người tôi luyện trong quá trình công tác, chiến đấu, tích lũy về chuyên môn, phẩm chất, đạo đức đòi hỏi phải có thời gian. Khi đủ thời gian đủ để đánh giá thì họ đã quá tuổi.

Nhưng nếu là con ông cháu cha thì vừa đi học về đã được sắp xếp vào vị trí thuận lợi, chưa qua va vấp để thử thách bản lĩnh chính trị. Chính vì thế, sau khi xảy ra chuyện họ lập tức thành con người khác hẳn.

Trường hợp của Trịnh Xuân Thanh là một ví dụ. Nếu ông Thanh không phải là con lãnh đạo, không có giai đoạn thăng tiến quá dễ dàng mà cứ gian khổ, phấn đấu bằng năng lực, trình độ thực sự của mình thì nếu kể cả khi xảy ra chuyện, ông ấy sẽ ứng xử khác.

Đó là bài học trong công tác cán bộ. Lớp trẻ phải được rèn luyện, thử thách qua thực tế chứ không phải con ông cháu cha người này, người kia gửi gắm.

Thậm chí, nhiều khi không cần gửi gắm, cấp dưới đương nhiên cứ vậy mà lo và lấy việc bố trí chỗ đẹp cho con lãnh đạo làm thành tích báo cáo. Chuyện đó giờ đã thành phổ biến”, ông Nguyễn Anh Sơn chỉ rõ.

Cũng theo ông Sơn, nếu câu nói “một người làm quan, cả họ được nhờ” trước đây hiểu theo nghĩa tích cực, một ông quan thanh liêm để lại tiếng thơm cho cả họ, con cháu tự hào, lấy đó là tấm gương học tập theo thì bây giờ nó lại mang nghĩa xấu.

Làm quan là phải đưa được con cháu, anh em, họ hàng, thân hữu vào các vị trí để khống chế, liên kết tạo thành bộ máy gắn bó với nhau để mưu cầu lợi ích chung thì ít, lợi ích riêng thì nhiều.

Nhìn lại những trường hợp “con ông cháu cha” thăng tiến thần tốc trong thời gian qua, vị nguyên ĐBQH khóa XIII cho rằng, nếu các vị lãnh đạo có con được bổ nhiệm như vậy suy nghĩ thấu đáo thì đã không xảy ra những chuyện như vừa rồi.

Họ chỉ nghĩ trước mắt con mình có vị trí, có địa vị thì có cuộc sống vương giả, và họ định nghĩa thế là lo cho con cho cháu.

“Nếu con cháu lãnh đạo là thực người thực tài, đã được rèn luyện, khẳng định qua thử thách, sau này làm ích dân lợi nước, đó là hạnh phúc của dân tộc. Nhưng nếu các vị ấy ỷ thế con cháu lãnh đạo để làm việc không đúng, mưu đồ lợi ích cá nhân thì đó là thảm họa của dân tộc”, ông nhấn mạnh.

Để giải quyết tình trạng này, theo ông Nguyễn Anh Sơn, công tác cán bộ phải làm cho đúng quy định, đúng pháp luật.

“Quy định đều đã có, làm thế nào cho đúng, cho công tâm chính ở các lãnh đạo có con cháu.

Nếu giở lại những sự việc đã qua sẽ thấy tất cả đều đúng quy trình, nhưng nó có đúng thật không? Khi các vị đưa con cháu vào vị trí nào đó, đưa ra tập thể, tập thể nể nang mà đồng ý. Chính vì thế, quan trọng nhất là quy trình trong tâm các lãnh đạo.

Khi bổ nhiệm, liệu có ai dám đặt tiêu chí đối với con lãnh đạo cao hơn con cán bộ bình thường? Còn với cấp dưới của lãnh đạo, liệu có đủ bản lĩnh để thẳng thắn với thủ trưởng của mình về trình độ, năng lực con cháu của vị ấy?

Làm sao để lãnh đạo có đủ dũng khí, chấp nhận không o bế con cháu. Điều đó rất khó, nó ở tự lương tâm, trách nhiệm của họ với sự nghiệp chung”, ông Nguyễn Anh Sơn trăn trở.

Thành Luân( báo đất việt)


TOP