Vụ việc ‘cố ý gây thương tích’ xảy ra tại xóm Thắng, thôn Mai Xá, xã Mỹ Xá, TP Nam Định cách đây hơn một năm vẫn khiến cho người dân trong và ngoài thôn hết sức bức xúc.
Từ việc ông xóm phó Triệu Hoàng Vương không hiểu Luật Đất đai và bất chấp đào huyệt để mai táng mẹ của ông xóm trưởng Hoàng Ngọc Long trên diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình ông Hoàng Hữu Tích cho tới vụ việc các ông xóm trưởng, xóm phó, Bí thư chi bộ xóm có hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, rồi tiếp theo đó lại xảy ra vụ án “Cố ý gây thương tích” đối với ông Hoàng Hữu Tích…
Vụ án có thực sự quá phức tạp?
Có thể khẳng định luôn rằng, đây là vụ án hết sức đơn giản vì:
Thứ nhất, chính CQĐT CA TP. Nam Định khi tiến hành giải quyết vụ án này cho thấy đây là một vụ án không phức tạp. Căn cứ Khoản 1, 2, Điều 119 – Bộ Luật TTHS về Thời hạn điều tra “1. Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 2 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 2. Trong trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết hạn điều tra, CQĐT phải có văn bản đề nghị Viện Kiểm sát gia hạn điều tra. Việc gia hạn điều tra được quy định như sau: a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 2 tháng”. Tuy nhiên, đúng 2 tháng kể từ ngày khởi tố vụ án 24/10/2016, ngày 24/12/2016 CQĐT TP.Nam Định có quyết định tạm đình chỉ vụ án với lý do “Đã hết thời hạn điều tra vẫn chưa có đủ chứng cứ chứng minh ông Tường là người đánh ông Tích bị thương” mà không đề nghị Viện Kiểm sát gia hạn điều tra.
Thứ hai, đây là một vụ án “cố ý gây thương tích” tại một làng quê với nếp sống văn hóa cộng đồng làng xã, tất cả những chuyện lớn bé của mỗi nhà thì người dân trong xóm ai cũng nắm được, nói gì đến những chuyện khiến người dân bức xúc như: Việc ông xóm phó Triệu Hoàng Vương không hiểu Luật Đất đai và bất chấp đào huyệt để mai táng mẹ của ông xóm trưởng Hoàng Ngọc Long trên diện đất nông nghiệp của hộ gia đình ông Hoàng Hữu Tích… cho tới vụ việc các ông Hoàng Ngọc Long (xóm trưởng), Triệu Hoàng Vương (xóm phó), Hoàng Anh Tường (bí thư chi bộ xóm) có hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” của ông Hoàng Hữu Tính. Rồi tiếp theo đó lại xảy ra vụ án “Cố ý gây thương tích” đối với ông Hoàng Hữu Tích.
Trong vụ việc này mọi người dân trong xóm, trong thôn đều biết “ai là người đánh ông Tích bị thương”, chỉ mình CQĐT CATP Nam Định không biết?
Phải chăng kiến thức Pháp luật và nghiệp vụ điều tra yếu kém?
Trước tiên, điều này nó được thể hiện khá rõ đối với vụ việc các ông Hoàng Ngọc Long (xóm trưởng), Triệu Hoàng Vương (xóm phó), Hoàng Anh Tường (Bí thư chi bộ xóm) có hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 7.000.000 đồng” của ông Tính và lái xe.
Nhóm PV điều tra cùng với các chuyên gia Pháp lý phân tích hành vi “chiếm đoạt 7.000.000 đồng” nêu ở bài viết trước đã thỏa mãn bốn yếu tố cấu thành của tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Vậy tại sao các ông Long, Vương, Tường vẫn chưa bị khởi tố điều tra? Phải chăng do CQ CSĐT không nắm rõ Luật?
Hơn nữa, lời khai của người bị hại Hoàng Hữu Tích và người làm chứng là chị Hoa trong vụ án “Cố ý gây thương tích” có được coi là chứng cứ? Theo quy định tại Điều 64 – Bộ Luật TTHS “1- Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định…2- Chứng cứ được xác định bằng: a) Vật chứng, b) Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo”,… Như vậy, lời khai của bị hại, người làm chứng đều được coi là chứng cứ.
Ngoài lời khai của bị hại, nghi can, bị can, bị cáo, người làm chứng… được coi là chứng cứ thì Pháp luật còn quy định nào khác về chứng cứ hay không? Căn cứ Điểm a, Khoản 2, Điều 64 – Bộ Luật TTHS nêu ở trên, thì Vật chứng cũng được coi là chứng cứ. Theo quy định tại Điều 74 – Bộ Luật TTHS “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội”.
Vậy trong vụ án “Cố ý gây thương tích” đối với ông Hoàng Hữu Tích, CQĐT CATP Nam Định có thu được vật chứng gì liên quan đến vụ án không? Và đã sử dụng vật chứng đó như thế nào để chứng minh người đánh ông Tích bị thương là ai chưa? Nếu không thu được vật chứng gì hoặc thu được mà chưa sử dụng để chứng minh thì phải chăng nghiệp vụ điều tra của CQĐT CATP Nam Định có vấn đề? Khi vụ việc được đăng tải trên Báo, rất nhiều câu hỏi được đặt ra đối với CQĐT CATP Nam Định trong vụ án này. Song vì khuôn khổ bài viết chúng tôi không thể phân tích được hết mà chỉ muốn biết CQĐT có muốn tìm ra thủ phạm hay không?
Cơ quan Điều tra không muốn tìm ra thủ phạm?
Sau hơn 2 tháng xảy ra chuyện ông Tích bị đánh trọng thương, ngày 24/10/2016 CQĐT CATP. Nam Định đã khởi tố vụ án “cố ý gây thương tích”. Căn cứ Điều 63, Bộ Luật TTHS “Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải chứng minh: 1. Có hành vi phạm tội xảy ra hay không… , 2. Ai là người thực hiện hành vi phạm tội… mục đích, động cơ phạm tội, 3. Những tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và những đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo, 4. Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra”. Qua tìm hiểu vụ án “cố ý gây thương tích” nêu ở trên và đối chiếu với Điều 63, Bộ Luật TTHS thì CQĐT CATP. Nam Định đã làm được những gì?
Thứ nhất, Có hành vi phạm tội xảy ra hay không? Với nghiệp vụ cũng như kinh nghiệm của CQĐT cùng với những tình tiết trong vụ án, ông Tích bị đánh gãy xương sườn số 8, bị một vết sẹo kích thước lớn phần gò má và ông Tích phải nghỉ làm việc tại Công ty Vico Thắng Lợi vì bị tổn thương mắt quá nặng (một mắt gần như hỏng hoàn toàn, một mắt chỉ còn 3/10) CQĐT CATP. Nam Định không cần điều tra hay chứng minh bất cứ vấn đề gì mà có thể khẳng định ngay, việc ông Tích bị đánh gây thương tích đã có dấu hiệu của tội “Cố ý gây thương tích”.
Thứ hai, Ai là người đánh ông Tích bị thương? Đáng lẽ việc cần làm và phải làm của CQĐT CATP Nam Định là đi tìm các chứng cứ chứng minh để trả lời cho câu hỏi “Ai đánh ông Tích bị thương”? Nhưng CQĐT CATP. Nam Định lại đi chứng minh “ông Hoàng Anh Tường không phải là người đánh ông Tích bị thương”. Cụ thể, CQĐT CATP. Nam Định đã bác bỏ, không thừa nhận những lời khai của bị hại Hoàng Hữu Tích và người chứng kiến là chị Hoa làm chứng cứ chứng minh “ông Tường là người đánh ông Tích bị thương”, mà lại cho rằng đó chỉ là lời khai từ một phía.
Ngược lại, chỉ với một lời khai của ông Tường không thừa nhận mình là người đã đánh ông Tích bị thương, đây cũng chỉ là lời khai từ một phía theo bản năng của bất cứ người phạm tội nào, đó là “không tự thừa nhận hành vi phạm tội của mình”, thì CQĐT CATP. Nam Định đã kết luận ngay “ông Tường không phải là người đã đánh ông Tích bị thương”, đồng thời ra Quyết định Tạm đình chỉ vụ án với lý do chưa tìm ra người đánh ông Tích bị thương.
Đây là một kết luận chủ quan, quá vội vàng vì ngoài những lời khai của bị hại, nghi can, bị can,… người làm chứng thì còn có các vật chứng (hung khí gây thương tích), động cơ, mục đích của tội phạm. Ông Tích bị đánh một cách dã man như vậy thì ắt phải có nguyên nhân từ trước, người phạm tội chắc chắn phải có động cơ, mục đích nhất định và có thù hằn từ trước đối với ông Tích… Tại sao CQĐT CATP Nam Định không làm rõ những vấn đề trên mà đã vội vàng kết luận “ông Hoàng Anh Tường không phải là người đánh ông Tích bị thương”.
Với cách làm việc như vậy của CQĐT CATP. Nam Định khiến cho không chỉ riêng người bị hại mà tất cả những người dân đang theo dõi vụ án này đều cho rằng “CQĐT CATP. Nam Định cố tình không muốn tìm ra người đã đánh ông tích bị thương”. Bởi vì, nếu thực sự muốn điều tra tìm ra kẻ phạm tội thì CQĐT CATP. Nam Định đã có quyết định gia hạn điều tra trước khi thời hạn điều tra vụ án lần một kết thúc.
Có thể thấy, vụ án còn rất nhiều những vấn đề liên quan đến thu thập và bảo quản vật chứng, việc xác định dấu vết trên vật chứng và giám định pháp y có đúng quy định của Pháp luật hay không?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Nhóm PV Điều tra – Giadinhphapluat.vn
- Đặc sản Nam Định: Bánh gai Bà Thi
- 18 Địa Điểm Du Lịch Nổi Tiếng Ở Nam Định Không Thể Không Đi
- Về Nam Định ăn gỏi cá…
- Giới thiệu về nhà thờ Giáo Xứ Đền Thánh Trung Lao
- Đổi thay trên quê hương Tổng Bí thư Trường Chinh
- Nam Định tìm cách phát triển du lịch
- Điều cay đắng tại vườn cây 2.000 tỷ đồng của Trầm Bê
- Hải Hậu: Nét độc đáo khác lạ
- Phó chủ tịch Nam Định: Thay đổi số phận, phải có tri thức
- Vợ mang bầu mất tích hơn 30 ngày, chồng mòn mỏi tìm kiếm khắp nơi
- Hương vị cuộc sống: Học cách làm Xôi cá rô đặc sản Thành Nam
- 3h sáng, biển người đã chen chân về chợ Viềng Nam Định “bán rủi, mua may”
- Vùng sáng biển Hải Hậu Nam Định
- Lê hội ở Nam Định và các tỉnh thành cầu may mắn đầu xuân nhất định phải đi
- Nam Định: “Lộ diện” những vi phạm tại Trung tâm Y tế huyện Nam Trực?
- Thị trấn Quất Lâm tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng theo tiêu chuẩn đô thị loại IV
- Nam Định: Xe bồn tông người phụ nữ bán rau tử vong rồi lao xuống kênh
- Nhân mùa Giáng sinh: Ngắm vẻ đẹp những nhà thờ Nam Định
- Các tín đồ bia Nam Định hẹn ‘chia sẻ đam mê, kết tình bằng hữu’ tại Ngày hội Bia Hà Nội
- Phân luồng giao thông dịp chợ Viềng Xuân 2016
- Bắt đối tượng dùng chứng minh thư giả, vận chuyện hơn 23.000 viên ma túy tổng hợp
- Liều lĩnh cầm dao, súng ép hai thiếu nữ thuê trọ làm ‘gái dịch vụ’