Cầu Tân Phong - Nam Định hoàn thành và đưa vào khai thác

Cầu Tân Phong – Nam Định hoàn thành và đưa vào khai thác

(TN&MT) – Cầu Tân Phong trên QL21B thuộc tỉnh Nam Định đã được hoàn thành và đi vào khai thác chỉ sau hơn 6 tháng thi công. Dự án nối liền đường vành đai TP Nam Định góp phần cải thiện mạng lưới giao thông đường bộ, tạo động lực phát triển KT-XH của tỉnh Nam Định nói riêng và các tỉnh khu vực Đồng bằng Bắc bộ nói chung.

6 tháng thi công

Ông Phạm Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Ban QLDA6 (đại diện chủ đầu tư) cho biết, cầu Tân Phong nằm trên QL21B (lý trình Km 101+506) bắc qua sông Đào thuộc Dự án tín dụng ngành GTVT để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ hai. Công trình có tổng mức đầu tư 463,1 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Cầu Tân Phong nằm trên QL21B bắc qua sông Đào thuộc Dự án tín dụng ngành GTVT.

Theo thiết kế, phần cầu của dự án có tổng chiều dài gần 684 m (tính đến mố đuôi), bề rộng 12 m, được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, khổ thông thuyền BxH=50×9,5m. Phần cầu chính sử dụng nhịp dầm liên tục (67+102+67) m có mặt cắt ngang dạng hộp thành thẳng, phần cầu dẫn sử dụng dầm super T bằng bê tông cốt thép dự ứng lực kéo trước, mặt cầu được nối liên tục nhiệt để đảm bảo cho xe chạy êm thuận. Trong khi đó, kết cấu phần dưới cầu gồm: Mố, trụ bằng bê tông cốt thép đổ tại chỗ đặt trên nền cọc bằng bê tông cốt thép cho các mố, trụ đỡ nhịp dẫn và trên móng cọc khoan nhồi cho trụ đỡ dầm liên tục.

Phần đường của dự án có tổng chiều dài gần 1,5 km, trong đó, đường dẫn phía xã Mỹ Tân (huyện Mỹ Lộc) dài hơn 274 m, đường dẫn phía xã Nam Phong (TP Nam Định) dài khoảng 1,2 km. Về mặt kỹ thuật, đoạn từ đầu tuyến đến 50 m sau mố A14 được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với vận tốc thiết kế 60 km/h, nền đường rộng 12 m, mặt đường rộng 7 m, gia cố lề mỗi bên 2 m và lề đất 1 m. Trong khi đó, đoạn từ 50 m sau mố A14 đến khu vực giao với đê Hữu Hồng được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, vận tốc thiết kế 60 km/h, nền đường rộng 9 m, mặt đường rộng 7 m, lề gia cố mỗi bên 0,5 m, còn lại lề đất rộng 1 m.

Động lực phát triển khu vực Đồng bằng Bắc bộ

Theo Tổng Giám đốc Ban QLDA6, cầu Tân Phong hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ nối liền và nâng cao hiệu quả khai thác của tuyến đường vành đai TP Nam Định, góp phần cải thiện mạng lưới giao thông đường bộ, tạo động lực phát triển KT-XH của tỉnh Nam Định nói riêng và các tỉnh khu vực Đồng bằng Bắc bộ nói chung.

“Việc hoàn thành cầu Tân Phong sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện giao thông di chuyển theo hướng từ các huyện Nam Trực, Cổ Lễ, Xuân Trường, Hải Hậu đi Thái Bình, Hải Phòng rút ngắn được 10 km so với hiện nay. Đồng thời, công trình góp phần giảm tải lưu lượng giao thông trên cầu Đò Quan và tăng cường phát huy hiệu quả khai thác tuyến QL10, QL21 và hệ thống giao thông liên vùng”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Dự án xây dựng cầu Tân Phong gồm 3 gói thầu: B3-29, B3-30 và B3-31. Trong đó, gói thầu B3-29: Xây dựng cầu dẫn và đường dẫn phía Bắc cầu Tân Phong do liên danh Công ty CP Phát triển & Thương mại Thuận An – Công ty CP Cầu 11 Thăng Long thi công; Gói thầu B3-30: Xây dựng phần cầu chính (phần đúc hẫng), nhà thầu thi công là liên danh Tổng công ty Thăng Long – Công ty CP Cầu 14; gói thầu B3-31: Xây dựng cầu dẫn và đường dẫn phía Nam cầu Tân Phong được thi công bởi liên danh nhà thầu Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (CIENCO4) và Công ty CP TASCO.

Tags:

TOP