Hải Hậu gìn giữ tinh hoa văn hoá trong các làng nghề truyền thống

Hải Hậu gìn giữ tinh hoa văn hoá trong các làng nghề truyền thống

Hải Hậu là vùng đất đa nghề. Cùng với sản xuất nông nghiệp từ lâu, các làng nghề ở Hải Hậu đã tồn tại cùng với sự phát triển của xã hội, đời sống cộng đồng làng xã. Đến nay, toàn huyện có 44 làng nghề ở 33/35 xã, thị trấn. Tiêu biểu là các làng nghề: trồng hoa, cây cảnh nghệ thuật ở các xã Hải Xuân, Hải Hưng, Hải Sơn, Hải Tân, Hải Đường, Hải Long, Hải Hoà, Thị trấn Cồn; mộc, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, khảm trai ở các xã Hải Minh, Hải Vân, Hải Trung; bánh kẹo ở Thị trấn Yên Định; vê đay, dệt chiếu ở các xã Hải Phương, Hải Bắc, Hải An; dệt lưới, kéo sợi ở Thị trấn Thịnh Long…

Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại làng nghề truyền thống Bình Minh, xã Hải Minh.

Ở Hải Hậu, nghề mộc được phát triển ngay từ thời mở đất. Người thợ mộc Quần Anh xưa đã sáng tạo ra những khung dệt lụa, dệt vải, xà quay tơ, bàn ươm tơ đáp ứng thao tác cho người thợ kéo ra sợi tơ nhỏ, đều để dệt ra những tấm lụa, tấm vải đẹp.

Cùng với những sáng tạo ra công cụ sản xuất cho ngành dệt, những người thợ mộc còn sáng tạo ra những công trình kiến trúc đẹp, bề thế là các di tích lịch sử – văn hoá như: Quần thể kiến trúc cầu Ngói – Chùa Lương (xã Hải Anh) với ngôi chùa trăm gian cổ kính, nhiều hạng mục bằng gỗ chạm trổ tinh xảo và cây cầu gỗ cong cong có mái ngói bắc qua sông Hoành tạo nên thế uy nghiêm, hùng vĩ. Đình, Chùa Hà Lạn (xã Hải Phúc) và Đền Mẫu Ninh Cường (xã Trực Phú, Trực Ninh) được xây dựng có kết cấu cột, kèo chạm trổ tinh vi, đường nét uyển chuyển, điêu luyện mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống…

Cùng với những công trình kiến trúc cổ, các nghệ nhân trên đất Quần Anh xưa còn chạm, khắc, khảm trai, khảm ốc trên những đại tự, câu đối, hoành phi tại các đình, đền, chùa, từ đường có đường nét bay bổng, tinh tuý, trường tồn cho đến tận ngày nay. Xã Hải Minh là vùng quê nổi tiếng với câu thơ: “Ai qua Cầu Ngói – Chợ Lương/ Ghé thăm mỹ nghệ Hải Minh làng nghề”. Nơi đây đã duy trì và phát triển nhiều ngành nghề như: may mặc, mộc, đá mỹ nghệ, trồng hoa cây cảnh…

Cầu ngói – Chợ Lương – Hải Anh – Hải Hậu – Nam Định

Trong đó, nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ và khảm trai phát triển nhất với 3 làng nghề, trong đó có làng nghề truyền thống Bình Minh ở xóm 9, xóm 3 và 2 CCN làng nghề là CCN làng nghề 1 ở xóm 4A và CCN làng nghề 2 ở xóm 1. Các sản phẩm tiêu dùng từ gỗ mỹ nghệ ở Hải Minh được cả nước biết đến và đánh giá cao về chất liệu gỗ tự nhiên có độ bền cao như: gỗ gụ, gỗ trắc, gỗ hương, gỗ cẩm, gỗ mun. Từ các sản phẩm thông dụng: giường, tủ, bàn, ghế đến các sản phẩm có giá trị: tranh, tượng, tủ chè, sa lông tàu, sập, gụ, tràng kỉ, đồ thờ cúng… đều độc đáo, có tính thẩm mỹ cao.

Những người thợ làng nghề với đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ đã chạm khắc nên những sản phẩm gỗ mỹ nghệ đa dạng, tinh xảo với những nét hoa văn độc đáo, hình ảnh tứ linh, hoa lá, mây áng đầy nghệ thuật… Mỗi sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ được giao thoa khéo léo giữa phong cách nghệ thuật truyền thống và xu hướng thẩm mỹ hiện đại mang thần thái, sắc nét. Nghề trồng hoa, cây cảnh ở Hải Hậu cũng phát triển mạnh với rất nhiều làng nghề nổi tiếng, tiêu biểu là các làng nghề: Xuân Bắc (xã Hải Xuân), Bắc Hưng (xã Hải Hưng), Nam Bình, Hưng Thịnh, Đông Thành, Năm Sơn, Trần Phú (xã Hải Sơn), Phạm Tăng (xã Hải Tân), Tam Tùng Nam (xã Hải Đường), Cờ Hồng (xã Hải Long), Hồng Tiến (xã Hải Phú), Đỗ Bá (Thị trấn Cồn), Tân Hùng, Xuân Hà (xã Hải Hoà)…

Cửa hàng đồ gỗ mỹ nghệ Đỗ Tĩnh – Làng nghề Hải Minh

Thu nhập từ cây cảnh đã mang lại sự ấm no cho hàng trăm hộ dân trong xã. Nhiều hộ đã làm giàu từ cây cảnh, trở thành tỷ phú và được tôn vinh là những “nghệ nhân làng nghề” bởi bàn tay khéo léo như các nghệ nhân: Nguyễn Văn Thành, Vũ Mạnh Thanh, Đỗ Kim Tuyến (xã Hải Sơn), Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Văn Thơ (xã Hải Lý), Nguyễn Văn Tuân (xã Hải Hoà), Phạm Văn Vi, Phạm Quốc Toản (xã Hải Trung)… Khách thập phương, mỗi khi có dịp về Hải Hậu lại ghé thăm các làng nghề và không quên mua cho gia đình hoặc bạn bè những cây hoa, cây cảnh như: sanh, si, vạn tuế, đa, sung… Nghề trồng hoa, cây cảnh nghệ thuật trong các làng nghề ở Hải Hậu không đơn thuần là một nghề mưu sinh, mà hơn thế, còn là nghề làm nên nét đẹp văn hóa của vùng đất mới.

Ngày nay, với giá trị nghệ thuật, các sản phẩm thủ công trong các làng nghề truyền thống ở Hải Hậu thường xuyên được quảng bá giới thiệu tại các khu vực chợ quê như: chợ Đông Biên (xã Hải Bắc), chợ Quán (xã Hải Hà), chợ Cồn (Thị trấn Cồn), chợ Thượng Trại (xã Hải Phú), chợ Đền (xã Hải Anh), chợ Cầu Đôi (xã Hải Hưng)… Việc mua bán hàng hoá khá nhộn nhịp với nhiều sản phẩm làng nghề khác nhau như: bánh kẹo, chiếu, nón, cây cảnh, cây thế, gỗ mỹ nghệ, vải vóc… Đến với các khu chợ, mọi người được chiêm ngưỡng những sản phẩm thủ công truyền thống được làm bởi những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân.

Bộ sập gụ tủ chè được thiết kế rất đẹp và cao sang

Như một bức tranh thu nhỏ, hình ảnh đông đúc, tấp nập của các khu chợ quê với những sản phẩm thủ công vùng miền đã ăn sâu vào tiềm thức, tâm hồn của người dân, góp phần thắt chặt tình làng, nghĩa xóm. Các làng nghề ở Hải Hậu không chỉ tạo công ăn, việc làm cho trên 10 nghìn lao động ở trong và ngoài huyện mà còn góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Hầu hết, ở các làng nghề đều có những di tích lịch sử – văn hóa thờ thuỷ tổ, thành hoàng làng… Các di tích lịch sử – văn hóa như: Đền Tứ Tổ (xã Hải Anh), Đền An Ninh (xã Hải Trung), Đền Quế Phương (xã Hải Tây), Đền Hải Đông (xã Hải Đông), Chùa Hà Lạn (xã Hải Phúc)… đều gắn với các lễ hội với các nghi thức mang nét đặc trưng văn hoá làng truyền thống.

Gìn giữ và phát triển các làng nghề truyền thống trong cuộc sống hiện đại không chỉ là giải pháp để huyện Hải Hậu phát triển kinh tế, tạo việc làm nâng cao đời sống cho người lao động mà còn mang một ý nghĩa hết sức quan trọng là gìn giữ nét đẹp văn hóa của quê hương. Phát triển làng nghề gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của các làng nghề cần được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Hải Hậu quan tâm chỉ đạo để các làng nghề phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng – Baonamdinh.vn


TOP