Chuyện lạ Nam Định: Sự thật về bát phở chỉ có giá 5.000 nghìn đồng

Ấm lòng bát phở 5000 ở Thành Nam

Mở cửa từ năm 2005, đến nay đã gần 13 năm nhưng quán phở của chị Nguyễn Thị Chung trên đường 19/5, phường Tế Xương, TP Nam Định vẫn giữ giá 5 ngàn đồng. Quán phở ngon và rẻ nổi tiếng này đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người dân Thành Nam, mỗi đêm đón hàng trăm lượt thực khách.

Quán phở “chị Béo”

Bà chủ quán được người ta gọi với cái tên đầy trìu mến, thân mật là “chị béo”, “cô béo”. Luôn tất bật ngay từ 17h30 đến 1-2h sáng, nhưng “chị béo” luôn nhiệt tình, vui vẻ phục vụ các thực khách.

Khách hàng của quán khá đa dạng, từ các cụ cao niên, người trung tuổi cho tới trẻ nhỏ, đủ mọi ngành nghề…, trong số đó đông đảo nhất vẫn là các cô, cậu sinh viên, học sinh.

Thương hiệu “Phở 5000” chẳng lẫn với ai của chị Chung được tạo nên từ sản phẩm: Phở gà xé chả mọc. Nhiều người lần đầu nghe tới “Phở 5000” đều “bán tín bán nghi” nhưng sau khi thưởng thức thì đều có chung nhận xét “quá ngon, quá rẻ”.

Bởi chẳng kém cạnh những bát phở giá 20.000 – 30.000 đồng khác, bát phở của chị Chung vẫn đầy đặn với những sợi phở mềm, nhỏ, một miếng xá xíu, một viên mọc hoặc một miếng chả lá lốt, cùng và một ít thịt gà xé phay.. Đặc biệt, nước dùng vô cùng ngọt, béo, thanh lại là điểm nhấn và quyết định cho bát phở.

Nói về bí quyết khiến phở 5000 đồng mà vẫn ngon đến thế, chị Béo chia sẻ: “Nước dùng là yếu tố quan trọng nhất để có một bán phở ngon.

Ở quán của tôi nước dùng được hầm hoàn toàn từ xương gà ta. Mỗi ngày tôi bán hết vài chục con gà và tất cả số xương đó tôi đều không bỏ đi mà để làm nước dùng nên nó mới được nhiều thực khách yêu thích như vậy”.

Bạn Dương Thu Hương, sinh viên năm ba Đại học Điều dưỡng Nam Định, là khách hàng thường xuyên của quán nói rằng:

“Ngay ngày đầu tiên ra đây học tôi đã được bạn bè dẫn ra quán. Với sinh viên quán phở 5.000 của “chị béo” là một địa chỉ vô cùng thân thuộc vì nó vừa rẻ lại vừa ngon. Với con gái thì chỉ cần một bát phở là no rồi. Thêm nữa chị chủ quán ở đây thì rất thoải mái, dễ tính và vui vẻ, bởi vậy chúng tôi nhiều người tới ăn rồi thành quen thuộc lúc nào không biết”.

Tuy quán phở của chị chưa đầy 15m2 nhưng lúc nào cũng nườm nượp khách ra vào và luôn phải có ít nhất 5 người làm. Vì thế mỗi ngày để phục vụ đủ nhu cầu của khách, chị Chung phải bắt đầu công việc của mình từ 7 giờ sáng.

“Trung bình mỗi ngày tôi bán hết 30 – 40 con gà, 110 -120 kg phở cùng 3 nồi nước dùng khoảng 200 lít nước với bằng đấy nguyên liệu tôi được khoảng 500 bát phở”, chị Chung cho biết.

Ngoài những bát 5.000 quán chị béo còn bán với giá 10.000-20.000 đồng theo yêu cầu của thực khách.Với giá như vậy khách có thể gọi thêm một quả trứng vịt lộn, thêm thịt, mọc, hoặc chả.

Bí kíp giữ phở giá 5000 đồng

Cửa hàng của chị Chung đa phần phục vụ sinh viên, lại nằm tận trong ngõ sâu nên muốn cạnh tranh được với những quán phở khác thì phải vừa rẻ, vừa ngon mới có thể tồn tại được.

Theo lời chị Chung, chồng chị từng đi lính và làm anh nuôi. Trước đây, chị và chồng đã có thời gian phụ bố mẹ bán hàng cơm cho nhân viên công ty dược gần đó. Dần dần, hai vợ chồng chị nhận thấy xung quanh có nhiều trường cao đẳng – đại học nên đã mở quán phở bình dân phục vụ sinh viên.

Ban đầu giá cả thị trường còn rẻ, anh chị bán 3.000 đồng/bát. Sau này, thực phẩm đắt đỏ hơn nên anh chị bán giá 5.000 đồng/ bát.

Cũng có một thời gian giá cả đắt đỏ chị tăng giá lên 10.000 đồng/bát nhưng bán được chậm nên chị lại trở về giá cũ. Và cũng từ đó mức giá 5.000 đã trở thành thương hiệu. Anh chị đặt luôn tên biển hiệu của hàng là “Phở 5.000”.

Chị Chung ngậm ngùi cho biết, có nhiều người nghe thấy phở 5000 đồng cứ nghĩ gia đình chị làm từ thiện hay buôn bán gian trá mới để được giá đó nhưng hoàn toàn không có. Việc gia đình chị chấp nhận lãi ít hoặc hòa vốn là một cách để giữ chỗ đứng của mình trong lòng thực khách.

“Bát phở 5.000 đồng thì nó không thể so sánh được với phở 20.000 – 30.000 đồng. Người ta bán giá cao thì lãi nhiều, tôi bán giá thấp thì lãi ít.

Chủ yếu lời lãi nằm ở việc bán thêm những quả trứng vịt lộn, những chai nước ngọt, cháo gà, gà tần… cùng tích cóp lại thì mới có thể tồn tại và có lời được. Nhờ đó gia đình tôi mới đủ trang trải cuộc sống và trả lương cho người làm”, chị Chung giãi bày.

Hơn chục năm bán phở, chị Chung có khá nhiều kỷ niệm với các bạn sinh viên. Tình yêu của nhiều bạn trẻ khởi nguồn và gắn bó với quán của chị.

Sau khi tốt nghiệp, đi làm, khi có dịp nhiều người vẫn quay lại thăm chị và hàn huyên bên bát phở 5.000 đồng. Không chỉ là một bà chủ quán nhiệt tình với khách mà “chị béo” còn khá tinh tế và hiểu tâm lý của thực khách.

“Có nhiều bạn lần đầu đến còn ngại ngùng, sợ gọi phở rẻ quá người khác cười. Hiểu được thế nên khi đến chỉ cần các bạn gọi phở, tôi sẽ làm luôn một bát phở lẫn 5.000 đồng”.

Điều đặc biệt ở quán “chị béo” là không bao giờ có người ghi khách gọi bao nhiêu bát phở, gọi thêm gì… việc quán quan tâm duy nhất là khách đã có đủ đồ ăn chưa, phở có ngon không, làm sao phục vụ nhanh nhất và không để mọi người phải đợi lâu.

Có những lúc khách đông, chị không thể nhớ hết được số lượng, mọi người đều nhắc và trả đầy đủ. Với chị đó cũng là một trong những yếu tố quan trọng, giúp chị duy trì hoạt động của quán.

“Thời sinh viên chúng tôi thường bảo nhau “chưa ăn phở 5.000 thì chưa phải là sinh viên”. Tôi cũng hay giới thiệu bạn bè xa gần tới quán chị, họ không biết thì tiếc lắm. Giờ đi làm rồi nhưng khi có thời gian tôi vẫn ghé qua, có lần nhớ bạn bè, nhớ chị béo quá mà không đến quán được thì thấy tiếc. Có lần tôi thấy người bạn ra chơi gần đó, tôi phải nhờ bạn mua cho hai bát phở mang về. Cảm giác được ăn phở 5.000 là tất cả những kỷ niệm một thời sinh viên lại ùa về”, bạn Nguyễn Phương Linh, làm việc tại thành phố Nam Định cho biết.

Theo Vũ Lanh
(plo)


TOP