Sau 1/7/2021 Sổ hộ khẩu bị bãi bỏ, Chứng Minh Nhân Dân 9 số có còn sử dụng được không, có bắt buộc phải đi làm CCCD mới?

Sau 1/7/2021 Sổ hộ khẩu bị bãi bỏ, Chứng Minh Nhân Dân 9 số có còn sử dụng được không, có bắt buộc phải đi làm CCCD mới?

Dạo vòng quanh các bài viết về thẻ Căn cước công dân (CCCD) mới, mình thấy rất nhiều câu hỏi thắc mắc về việc kể từ ngày 1/7/2021 Sổ hộ khẩu giấy bị bãi bỏ do Nhà nước quản lý công dân bằng mã định danh cá nhân 12 số, thế Chứng minh nhân dân (CMND) 9 số cũ phải xử lý thế nào?

Chúng ta có phải bắt buộc phải đổi CMND cũ qua thẻ CCCD gắn chip mới không? Mình sẽ giải đáp thật chi tiết trong bài viết này nhé!

Bỏ sổ hộ khẩu giấy thì có bắt buộc đổi luôn CMND?
Từ ngày 1/7, khi người dân đăng ký thay đổi thông tin trong hộ khẩu, công an sẽ cập nhật vào trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và thu hồi sổ giấy.Đây là một trong những điểm mới tại Luật Cư trú 2020; theo đó, kể từ ngày 01/7/2021 sẽ thay đổi hình thức quản lý dân cư bằng giấy sang phương thức điện tử.

Tuy nhiên Thông tư 04/1999/TT-BCA hướng dẫn Nghị định 05/1999/NĐ-CP về Chứng minh nhân dân, thời hạn sử dụng của Chứng minh nhân dân được quy định như sau:

CMND có giá trị sử dụng 15 năm. Mỗi công dân Việt Nam chỉ được cấp một CMND và có một số CMND riêng. Nếu có sự thay đổi hoặc bị mất CMND thì được làm thủ tục đổi, cấp lại một giấy CMND khác nhưng số ghi trên CMND vẫn giữ đúng theo số ghi trên CMND đã cấp.

Như vậy, Chứng minh nhân dân 9 số có thời hạn 15 năm. Công dân không phải đổi Chứng minh nhân dân nếu thẻ vẫn còn hạn. Hiện nay, không có văn bản nào quy định rằng Chứng minh nhân dân 9 số chỉ có thời hạn đến 01/7/2021.

Mốc 01/7/2021 thực ra là mốc Bộ Công an không cấp mới Sổ hộ khẩu giấy, chuyển sang quản lý công dân bằng mã định danh cá nhân (12 số trên thẻ Căn cước công dân).

Đây cũng là mốc Bộ Công an cam kết cơ bản hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vì thế, mục tiêu của Bộ Công an là cấp được 50 triệu thẻ Căn cước công dân gắn chip trước 01/7/2021.

Chính vì những lý do trên, Công an các tỉnh, quận, huyện… đang cấp tốc cấp Căn cước công dân cả cuối tuần, thậm chí cả ngày lẫn đêm… theo trích dẫn từ tờ Luật Việt Nam.

Tóm lại ngắn gọn dễ hiểu thì dù bỏ sổ hộ khẩu giấy thì vẫn không bắt buộc những người đang có CMND 9 số cũ đổi sang CCCD gắn chip mới.

Theo tờ Luật Việt Nam, khi người dân đi làm Căn cước công dân gắn chip tức là thông tin của công dân sẽ được cập nhật lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Do vậy, người dân cần đi làm căn cước công dân gắn chip trước ngày 01/7/2021 để các thông tin của mình được cập nhật nhanh chóng lên hệ thống. Sau 01/7/2021, việc thực hiện các thủ tục hành chính có thể sẽ trở nên “gọn nhẹ” hơn rất nhiều do người dân không cần phải mang theo nhiều loại giấy tờ.

Đặc biệt, không chỉ được làm CCCD ở nơi gần với mình nhất, nhiều địa phương còn tổ chức cấp Căn cước ngoài giờ hành chính và đến tận nửa đêm.

Người dân đi học, đi làm về hoặc tranh thủ ngày nghỉ vẫn có thể đi làm CCCD. Sau ngày 1/7/2021, có thể người dân sẽ phải đến Công an quận/huyện để làm Căn cước và chỉ có thể làm trong giờ hành chính như quy định.

Cuối cùng là chi phí đi đổi chỉ còn 1 nửa.

Cụ thể theo Thông tư 112/2020/TT-BTC, mức thu lệ phí cấp Căn cước công dân gắn chip trước ngày 01/7/2021 đang được giảm 50%:

Chuyển từ CMND 9 số, CMND 12 số sang cấp thẻ CCCD: 15.000 đồng/thẻ

Đổi thẻ CCCD khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu: 25.000 đồng/thẻ

Cấp lại thẻ CCCD khi bị mất thẻ CCCD, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam: 35.000 đồng/thẻ.
Từ ngày 01/7/2021, mức lệ phí trên tăng gấp đôi.

Bạn có thắc mắc gì thêm về thẻ CCCD gắn chip mới không, để lại bình luận tại mục bình luận bên dưới mình sẽ cố gắng giải đáp trong các bài viết tiếp theo nha./.

Tags:

TOP