Chùa Đại Bi (nhân dân vẫn quen gọi là chùa Bi) thuộc thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, cách thành phố Nam Định 10km theo đường 55. Nam Giang là mảnh đất trăm nghề, vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời. Nơi đây còn lưu giữ khá nhiều di sản văn hóa như đền, chùa, miếu mạo…
Chùa Đại Bi quay theo hướng nam là một trong những công trình kiến trúc khá đẹp nằm giữa thôn Giáp Ba. Căn cứ vào văn bia còn lại thì chùa được xây dựng từ thời Lý Nhân Tông (1072-1127). Vào dịp đầu xuân ở đây có hội chợ Viềng, phiên chợ duy nhất trong năm mang nhiều ý nghĩa tâm linh thu hút đông khách trong và ngoài tỉnh.
Chùa Đại Bi tọa lạc trên một khu đất rộng bằng phẳng có kiến trúc độc đáo. Theo truyền thuyết, khu đất của chùa có thế đầu rồng. Hai bên cửa chùa có hai giếng nước tròn người dân nơi đây vẫn quen gọi là hai mắt rồng. Chùa nằm ở trung tâm xã nên rất thuận tiện cho việc đi lại vãn cảnh và phát huy giá trị của di tích. Ngoài thờ phật chùa Đại Bi còn thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, Thiền sư Giác Hải, Đức Bồ Đề Đạt Ma và thờ mẫu. Chùa Đại Bi đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1964.
Đến thăm chùa Bi ta thấy gần gũi bởi chùa nằm xen kẽ giữa các hộ dân, bên những hàng tre, cây xanh tỏa bóng mát. Hệ thống kiến trúc của chùa có nhiều nét độc đáo. Tam quan (cổng chùa) không nằm chính giữa mà được xây chếch về phía đông. Tuy đã trải qua nhiều lần trùng tu đến nay Tam quan vẫn còn giữ lại nhiều nét chạm khắc thời Hậu Lê (thế kỷ XVII –XVIII).
Qua Tam quan là khoảng sân rộng, ta được chứng kiến một ngôi chùa có kiến trúc đẹp. Mái chùa trải rộng, hơi thấp, những đao góc cân xứng vút lên tạo cho kiến trúc chùa nhẹ nhàng, thanh thoát. Bộ cửa gỗ tại gian giữa tòa bái đường được chạm khắc hình rồng, hoa lá, vân mây cách điệu khá đẹp. Trong chùa bài trí các tượng phật như mọi ngôi chùa Việt Nam khác. Điều khác biệt ở chùa Đại Bi là phía phải Tam bảo có khám thờ Thánh tổ Từ Đạo Hạnh và Giác Hải Thiền sư là những người có nhiều công lao với phật pháp nước nhà. Ở lĩnh vực phật giáo các thiền sư được coi là những thánh tăng, trên lĩnh vực xã hội được coi là những thành hoàng làng, người có công lao truyền dạy nghề cho dân…
Các pho tượng ở chùa Đại Bi được tạc khá hoàn mỹ. Ngoài ra còn nhiều đồ thờ và câu đối có giá trị về lịch sử và nghệ thuật.
Sau chùa có gác chuông kiến trúc kiểu chồng diêm, 8 mái với các đầu đao vút cao mềm mại thanh thoát. Đây là công trình có giá trị nhất của chùa Đại Bi.
Sau gác chuông là nhà thờ tổ, nơi thờ đức Bồ Đề Đạt Ma vị tổ thứ 28 và là vị sư tổ của phái thiền. Chùa Đại Bi còn có gian thờ Mẫu, một tín ngưỡng dân tộc mà người dân Việt Nam hằng thực hiện từ bao đời nay.
Qua bao thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của thiên nhiên và giặc dã, chùa Đại Bi vẫn được giữ gìn và thường xuyên tu bổ. Hiện nay chùa vẫn giữ được khá nhiều di vật có giá trị. Đó là một số chân cột đá tảng của những lần xây dựng trước đây ở Tam quan. Trong gian thờ Phật vẫn còn giữ lại một số bức chạm rồng, lá, mây tản…mang đậm phong cách thời Hậu Lê.
Với lối kiến trúc nội công ngoại quốc, chùa Đại Bi có tới 60 gian phần lớn làm bằng gỗ lim. Toàn bộ di tích được bố cục cân đối chắc khỏe. Từ ngoài nhìn vào ta thấy chùa như được nâng cao trong kiến trúc và như được trải rộng ra, đồ sộ theo một trục chính khiến cho tổng thể công trình có thế vươn lên. Với hai dãy hành lang thấp dần, mộc mạc càng làm tôn thêm vẻ đẹp của chùa.
Trải qua các triều đại, chùa Đại Bi đã có nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Đến nay chùa vẫn còn giữ lại 10 tấm bia đá. Bia cổ nhất được khắc vào năm Vĩnh Trị thứ 4 đời vua Lê Hy Tông (1697) và một quả chuông đồng nặng trên hai tấn đúc vào đời vua Minh Mệnh năm thứ 28 (1847). Nghề rèn Vân Chàng (Nam Giang) cũng đóng góp vào chùa một số di vật như cây đèn sắt, mặt hổ phù, một số đầu rối bằng gỗ được tiện khá độc đáo giúp cho phần lễ hội của chùa thêm phong phú và đặc sắc.
Từ lâu chùa Đại Bi đã trở thành nơi du ngoạn của khách thập phương, nhất là vào dịp hội chùa đầu xuân từ 20 đến 23 tháng Giêng (âm lịch). Trong dân gian người ta vẫn truyền nhau câu ca:
Hai mươi phát tấu chùa Bi
Trai đi được vợ, gái đi được chồng
Ngoài việc đi lễ chùa đầu năm chúng ta còn được thưởng thức rất nhiều hoạt động văn hóa dân gian độc đáo như: Lễ rước, kéo chữ, đấu vật, cờ người, tổ tôm điếm…Đặc biệt trò hát rối đầu gỗ chùa Bi vẫn là một hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh rất độc đáo vừa mang yếu tố tín ngưỡng vừa mang tính giáo dục về đạo đức lối sống cho mọi người.
Hùng Trần – Tintucnamdinh.vn – Tổng hợp
- Nam Định – Một trong 34 nền văn hóa tiêu biểu của thế giới
- Ý Yên: Chuyện lạ về ‘cụ’ cây quý hiếm 600 tuổi
- Chàng sinh viên quê Nam Định sáng lập 2 doanh nghiệp về công nghệ thực tế ảo
- Dấu ấn văn hóa thời Trần ở Nam Định
- Nam Trực: Nguyệt quế song thân giá hàng chục cây vàng
- Cô gái xương thủy tinh 27 tuổi, nặng 15kg và hành trình hơn 10 năm dạy học miễn phí
- Đi tìm nét khác biệt của phở Hà Nội – Nam Định – Sài Gòn
- Sắp làm đường cao tốc đi qua 3 tỉnh Nam Định – Ninh Bình – Thái Bình
- Luồng Lạch Giang (Nam Định): Cửa biển giải cứu ‘tàu chết’ lớn nhất miền Bắc
- Nam Định: Trộm táo tợn phá khóa cửa, ung dung “cuỗm” đồ
- Nam Định nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng
- Tạo bước đột phá để Nam Định đạt tỉnh nông thôn mới
- Thơ Nam Định – Trực Ninh quê mình
- Học làm đặc sản nộm rau câu, Nam Định
- Bảo tàng Nam Định ‘mở chợ’ cổ vật
- Nam Định: Xôn xao vụ vỡ nợ khoảng 50 tỷ đồng
- Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định với công tác “Đền ơn đáp nghĩa”
- QL10 Nam Định: Chợ cóc đe dọa an toàn quốc lộ
- Ý Yên-Nam Định: Thêm hai người chết trên đường ray tàu hỏa
- Nhân viên dọn vệ sinh quê Nam Định dâm ô bé gái kêu oan tại tòa
- Nam Định: Clip phóng xe tốc độ cao, hai thanh niên bị ô tô tông văng hàng chục mét
- Nhiều bất thường đằng sau những vụ vỡ nợ tại Nam Định