Làng xưa Nam Định - P.2

Làng xưa Nam Định – P.2

2. Làng Phụ Long:

“Em là con gái Phù Long
Quê em Cồn Vịt, lấy chồng vườn Dâu
Dù đi buôn đâu bán đâu
Cũng về giữ đất trồng dâu chăn tằm.”

Câu ca dao cũ nhất nói đến một mảnh đất xưa, địa đầu của thành phố Nam Định. Người thành phố mỗi khi phải đi xa, làm việc gì, tìm ai thường kể công khó nhọc đi “Thượng Phụ Long, hạ Đồn Thủy”, ý nói phải đi suốt chiều dọc thành phố đường dài 7 – 8 cây số mới được việc. Cũng trên mảnh đất ấy có nhũng địa danh quen thuộc như Cồn Vịt, vườn Dâu và nghề truyền thống: trồng dâu, chăn tằm.

Việt sử lược ghi: “Năm Ất Tỵ (1065), mùa xuân tháng 2, ngày Bính Ngọ, vua Lý Thánh Tông ra hành cung Bố Hải cấy lúa tịch điền và xem đánh cá ở đầm Phù Long thấy rồng (có thể là dòng phù sa sông Hồng tụ lại thành một bãi cát nổi vào mùa cạn, nhà vua coi nó như một con rồng nổi)”.

Sau này làng Phù Long mảnh đất “nổi rồng” có lệ cấy tịch điền. Phải chăng làng Phù Long có từ thời Lý để sang đời Trần thành quân doanh Vị Hoàng? Chuông chùa Phù Long còn khắc chữ “Cổ Lộng thôn, Vị Hoàng xã, Đông Mặc tổng, Mỹ Lộc huyện, Nam Định tỉnh”. Cổ Lộng là tên cũ của Phụ Long thuộc làng Vị Hoàng. Phù Long có tiếng quen gọi của dân làng. Sau này làng Vị Hoàng to quá chia ra làm hai. Như dã ghi trong bài làng Vị Hoàng, Phù Long nhận chữ “trùm” nên ở phía trên, làng Vị Hoàng nhận chữ “lềnh” nên ở phía dưới. Nhưng đến nay, các cụ nhận tên làng là Phụ Long nghĩa là có sự chung sức của hai làng, Phụ Long ngày thêm hưng thịnh.

Trước năm 1832, Minh Mạng chưa cho khai con sông Đào, Phụ Long có ba thôn và những xóm nhỏ đã đi vào ca dao như Cồn Vịt, vườn Dâu ngày nay còn quen thuộc. Đất làng còn sang đến Vị Khê, Vạn Diệp. Sau này có con sông Đào, phía bên kia gọi là Phụ Long tả hà, phía bên này gọi là Phụ Long hữu hà. Xóm Hưng Long ở ven sông gọi là Vạn Hà.

Ngày nay, con đường Đồng Tháp Mười chia ranh giới hai làng Phụ Long và Vị Hoàng.

Làng Phụ Long có tám giáp: Đông, Đoài, Bắc, Nhất, Nhì, Ba, Tứ, Năm, nhưng lại hình thành những vùng quen thuộc.

Quán Bánh Dầy, nơi làm ra những tấm bánh dầy, bánh chưng nặng 2 – 3 cân. Bánh thơm ngon, tinh khiết. Gạo nếp đỗ xanh được tuyển chọn. Bánh trước hết được làm lễ tế thần những ngày làng vào hội, còn thu hút dân trong thành phố ra đặt cho lễ đám cưới, đám ma. Đám cưới dùng bánh làm đồ sinh lễ rồi đem chia theo trầu cau cho họ hàng, bà con thân thuộc. Mặt bánh dầy dán một hoa văn chữ “hỷ” bằng giấy đỏ tươi, lạt buộc bánh chưng nhuộm đỏ. Đôi bánh còn kèm theo quả nem. Bánh đám ma có hoa văn chữ hiếu bằng giấy xanh, bánh chưng và quả nem cùng buộc lạt xanh. Chủ nhà đám dùng làm quà tạ ơn những người thăm viếng, đưa đám. “Phù Long hàng xáo bụi đầu” câu ca dao cũ giới thiệu khu này còn có thêm nghề xay gạo, xay bột. Nhờ sát Mom sông. Quán bánh dầy còn đông vui vì trên bến dưới thuyền.

Quán Chuột nằm trên đường ra Tân Đệ. Đó là vùng ruộng đất tới đó thắt lại như đuôi chuột nên nôm na người ta gọi khu vực này là Quán Chuột. Đây cũng còn gọi là quán Gốc Hòe vì có năm sáu gốc hòe lớn. Cách Mom Sông đông vui không xa, còn nhiều đoàn thuyền từ miên Bắc xuống, từ miền Trung ra, nên ở đây một thời có rạp tuồng cổ nổi tiếng, đêm đêm rộn rã tiếng nhạc, tiếng trống tuồng, tấp nập người xem.

Khu Vườn Dâu, Cồn Chuối xưa người làng trồng dâu chăn tằm, trồng chuối lấy quả. Khi thực dân chiếm được thành Nam Định, chúng lợi dụng ngay, thuê người trồng dâu chăn tằm trồng chuối, lấy tơ cung cấp cho nhà máy tơ Nam Định dệt lụa xuất khẩu. Chúng giao cho hương lý trong làng trông coi. Những người con trai làng, những người thanh niên Vị Xuyên và quanh vùng từ đầu thế kỉ này đến trước ngày kháng chiến chống Pháp năm 1945 đã không quên trường Kiêm bị Vườn Dâu với ba lớp học tương đương cấp I (hai lớp nhì một lớp nhất), và các thầy Thuần, thầy Quỳ, thầy Lang… Nay trường đã thành trưởng phổ thông cơ sở Trần Tế Xương.

Phù Long còn hai xóm nhỏ: Xóm Dầu của một số người ép dầu Nam làm dầu thắp đèn, sau này bán dầu hỏa. Xóm Đúc đồng của khoảng 40, 50 gia đình thợ đúc, gốc ở thôn Chanh Chè (nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) ra Nam Định từ lâu đời, định cư ở đây, mua đồng nát, đúc nồi đồng, sanh đồng, đủ loại to nhỏ… Hàng bán cho các cửa hàng ở phố Hàng Đồng và các thuyền mành từ miền Nam ra. Nghề đúc đồng tinh xảo dần. Người thợ lành nghề ở đây đã có mặt ở nhiều đình, chùa, đúc những chuông lớn và sau này có thể đúc đến những bộ phận cơ khí chính xác, tinh vi thay thế các phụ tùng nước ngoài.

Khu Côn Vịt xưa đất cao như cồn, chỉ là một cánh đông hoang, dân thành phố và dân làng coi như một nghĩa trang. Chính nhà thơ Trần Tế Xương khi mất cũng được an táng tại đây trước khi rước hài cốt về công viên Vị Xuyên. Cồn Vịt nằm bên đường 10 đi Thái Bình, có một con đê gọi là “đê leo”, chạy dài qua một cái dốc ra tới quán Chuột. Dốc ấy, Pháp gọi là “Lưng lừa” (Dos d’âne). Ta cũng quen gọi là “đô đan”. Những chiều hè nóng nực, dân thành phố ra tới đây hóng mát, gần khuya mới về.

Tại khu này có chùa Phụ Long – Chùa xây dựng từ xưa là một cảnh đẹp của Châu Tiên. Tên chùa là Duyên Phúc Tự. Năm Gia Long thứ 16 (1817), chùa đúc chuông lớn và xây dựng một gác chuông đẹp. Đến năm thứ 3 thời Minh Mạng, chùa được tôn tạo, càng đẹp thêm nhờ hai pho tượng Hộ pháp, thợ giỏi đắp, sinh động như người thật. Chùa đổi tên là “Duyên Khánh tự”. Đến nay, cửa chùa vẫn còn đôi câu đối:

 

Cực lạc quốc trung, nhất trần bất đáo Bồ Đề địa
Thuyền môn tịch tĩnh, vạn thiệt đồng qui Bát nhã môn


(Nghĩa là: Trong nước cực lạc, chỉ mang một hạt bụi cũng không vào được đất Bồ Đề. Cửa thuyền tĩnh mịch, vạn điều thiện đều quy vào cửa Bát Nhã)

Đến thời “sát Gia tô” chùa bị phá hoại nặng. Tự Đức đã cho làm lại chùa và đến thời Khải Định, chùa được sửa sang thêm. Phía trên là đình làng Phụ Long, thờ Bố Cái đại vương. Nơi đây, trước các khoa thi hương, đã có những khoa thi khóa sinh. Những người đi học có qua được kỳ thi này mới được đi thi hương. Bên cạnh đó có một cái miếu thờ bà Chúa Kho từ sau khi có quân doanh Vị Hoàng.

Bên đình thờ thần Hoàng xưa còn có một ngôi miếu khói hương nghi ngút quanh năm. Dân làng thường kể lại những chuyện hoang đường về một ông Cống sĩ tên là Trần Văn Vọng. Ông không phải là người làng mà chỉ là con nuôi một người trong làng. Khi ông đỗ tiến sĩ về làng, không ai đón rước. Vừa xấu hổ, vừa uất ức, ông nóng nẩy gieo mình xuống giếng, trước đình làng tự vẫn. Trước khi ông chết, ông nguyện rằng: “Người làng đi thi chẳng ai giành được cái cử nhân”. Người làng Phụ Long cho dân làng mất quan từ đấy. Lại đồn rằng ông rất thiêng. Thần Hoàng là Bố Cái đại vương báo mộng cho tiên chỉ biết ông là một tôn thần. Nếu dân làng không thờ ông thì chính Thần Hoàng phải đi nơi khác. Dân làng từ đó lập miếu thờ ông. Miếu trước xây nhỏ. Sau huyện Hòe vì một chuyện hoang đường khác nhớ ơn ông lập miếu to hơn.

Xa hơn, cách hơn một cây số, về phía bờ sông có đền Cây Quế thờ một vị Tiểu Vương nhà Trần trấn ải cửa sông. Nơi đây đã diễn ra những ngày lễ hội có thi bơi chải tưng bừng.

Cũng như làng Vị Hoàng, làng Phụ Long có 4 họ Trần, Lê, Nguyễn, Vũ. Họ Trần có 6 dòng: Trần Công, Trần Lê, Trần Doãn, Trần Văn, Trần Đình, Trần Thọ. Dòng Trần Lê lập ấp đầu tiên tập trung ở Giáp Năm, từng bảy đời có người làm quan trong triều. Dân làng nổi tiếng có Hiệp quản Nguyễn Xuất Tính đỗ cử nhân võ, bạn thân của Tú Xương. Chán công danh ông về ở ẩn và mất ở quê hương.

Mảnh đất cổ Phụ Long có khá nhiều tục lệ:

– Dân làng trọng “xỉ” (tuổi cao) không trọng “tước” (làm quan có chức tước). Đầu xuân, vào lúc hương vị tết còn nóng ấm, ngày 12 tháng giêng làng tổ chức “rước bô”. Các cụ từ 60 tuổi trở lên được coi là thọ và được xếp vào hàng bô lão, 70 tuổi trở lên được coi là thượng thọ. Các cụ được rước ra đình dự “yến lão”. 80 tuổi “bất nhập đình trung”, các cụ không phải ra đình, các cụ được dân trọng vọng mang cỗ tế thần biếu tận nhà. Có ba thứ cỗ: cỗ bát (giò, nem, ninh, mọc); cỗ đường (xôi, chè, bánh ngọt…); cỗ hoa quả (các quả quý và lạ), cũng vào dịp này người làng trên dưới 30 tuổi mua “lềnh”, trên dưới 50 tuổi mua “trùm” khỏi mang tiếng “bạch đinh”.

Sau đó, dân làng làm lễ hạ điền, hay tịch điền. Ngày xưa, dân làng chưa đông đúc, mỗi suất đinh được chia tới 1 mẫu 4 sào. Nghề làm ruộng là nghề chính. Sang hè khi sao mạ mọc (khoảng đầu tháng tư âm lịch) dân làng làm lễ xuống đồng. Lễ thánh xong, ông chủ tế mặc quần áo đỏ dắt trâu ra đồng, trên đầu trâu, giữa hai sừng kết bông hoa vải đỏ. Đó là một đám rước, có cờ ngũ hành đi trước, chiêng trống đi sau, cuối cùng là ông chủ tế. Ông xuống ruộng, mở đường cầy đầu tiên cho vụ mùa. Trai làng ra té nước trào ông chủ tế, tin rằng ông có ướt đẫm từ đầu tới chân thì vụ mùa mới tốt. Xong đường cầy, ông chủ tế được rước về đình làng, dân làng vui vẻ cỗ ban.

– Sang thu, cứ đến ngày 21, 22 tháng 8, làng thường tổ chức hai lễ hội lớn:

+ Lễ “tế xám” ở đình Thần Hoàng thờ Bố Cái đại vương,

+ Lễ hội ở đền cây Quế có thi bơi chải.

Cứ năm nay làng tổ chức lễ “tế xám” có thi cỗ ở đền trong thờ Thần Hoàng thì năm sau tổ chức mở hội ở bên ngoài tức đền cây Quế, có thi bơi chải. Lễ “tế xám” tổ chức ba ngày: ngày đầu rước “rửa kiệu”, ngày thứ hai “rước tập”, ngày thứ ba “tế xám”. Ngày thứ ba mới thực sự trọng thể. Đêm hôm trước, dân làng đốt đuốc ở đình tế từ bảy giờ đến mười hai giờ đêm, dân làng gọi là tế đình liệu. Tổ chức “tế xám” vào ban ngay. Đó là ngày các giáp thi cỗ. Có giáp làm cỗ tam sinh rất to: bò, lợn, dê. Có giáp làm cỗ tam sinh nhỏ nhưng là đặc sản: lợn ỉ, gà thiến, cá chép nặng hàng yến… Có giáp dâng 3 mâm xôi, mỗi mâm xôi thổi bằng 60 bơ gạo, đường kính tới một thước tây. Có giáp dùng quầy sơn son thếp vàng võng ra đình ba trăm bánh dầy, ba trăm bánh chưng, đặc biệt thơm ngon, mỗi tấm bánh nặng tới 3 cân. Có giáp muốn tinh khiết hơn dâng những mâm bồng ngũ quả, kén từ những quả phật thủ to vàng rộm, những nải chuối tiêu lớn, những quả cam, quả bưởi, quả quất thật to còn nguyên những cành lá tươi tốt, cách bày sắp xếp mĩ thuật, đẹp mắt. Dân làng làm các lễ vật dâng cúng cũng là thi tài làm ra những sản phẩm quý. Cuộc thi có giá trị về nhiều mặt, tỏ lòng thành kính nhớ ơn truyền thống đấu tranh oanh liệt của ông cha, cũng động viên, tỏ rõ và kế tiếp kĩ năng, kĩ xảo gia truyền của dân tộc trong đời sống, trong sản xuất.

Lễ hội ở đền ngoài có thi bơi chải kéo dài 7 ngày. Lễ hội tưng bừng, náo nhiệt hơn vì trai làng tám giáp đều dự thi. Ba ngày đầu, các chải tập dượt, ngày thứ tư bắt đầu cuộc thi. Có ba giải: giải họ, giải giáp, giải làng. Cuộc tuyển lựa này dẫn đến giải “cuốn” tức là giải “chung kết”.

Khác với Hành Thiện bơi đứng, chải đền Cây Quế bơi ngồi. Chải đóng thấp mạn, dài khoảng 10m hình thon, thót dần về phía mũi. Khoang lái hơi cong, có dáng thanh thoát nhẹ nhàng. Chải ngăn làm 14 khoang, mỗi khoang 2 người chèo. Hai mái chèo ngắn chừng gần 1m, người lái đừng ở cuối chải, mái lái dài hơn 2m. Khi đua, theo nhịp mõ và giọng hò của người điều khiển đứng giữa thuyền, các tay chèo vận động cả toàn thân đầu nhao về phía trước, chân dận đều một nhịp, lấy đà kéo tay chèo về phía sau, mái chèo bổ sâu để có lực đẩy mạnh, lúc đưa chèo về thì mình ngả hẳn về phía sau. Đầu mình, tay, chân hoạt động nhịp nhàng uyển chuyển. Mỗi động tác của mỗi người đều ăn nhịp hòa chung, thống nhất với tất cả anh em hàng thuyền tạo thành một sức mạnh tập thể. Nhờ sức mạnh đó, các chải lao đi vun vút trong một thế đẹp, khỏe và nhanh

Ngày 22 tháng 8 là ngày kết thúc cuộc thi bơi chải. Cuộc thi diễn ra trên sông Vĩnh Giang, nhưng qua một đoạn từ cửa sông Vị ra sông Cái vào sông Vĩnh đến quán Chuột, quanh đi lại ba vòng, đường dài khoảng 8km. Sát đền ngay phía bờ sông, dân làng đã dựng một khán đài, ngày đó gọi là “Quan cư” để đón các quan tỉnh, thành và huyện về dự. Sau này cuộc thi chỉ diễn ra trên sông Đào khoảng từ đền Cây Quế đến bến Đò Quan rồi quay về.

Ngày nay, Phụ Long chia thành Phụ Long A, Phụ Long B vừa là khu dân cư vừa là khu công nghiệp. Nhiều nhà máy như nhà máy Nước, nhà máy Điện có từ thời Pháp. Sau này ta đã xây dựng xí nghiệp đồ hộp xuất khẩu, một số xí nghiệp công nghệ thực phẩm như làm bánh kẹo, bánh mì, bột dinh dưỡng cho trẻ em. Nơi đây còn có bệnh viện thành phố, nay là trường Văn hoá Nghệ thuật của tỉnh, một phòng khám bệnh của trạm chống lao, hàng năm phòng khám bệnh và dự phòng cho hàng ngàn bệnh nhân. Bên con đường đi Thái Bình hiện nay, nhà mới xây san sát, các cửa hàng buôn bán phục vụ mở ra đông vui. Nơi đây đã thành một cửa ô đẹp đón người từ Thái Bình và Hải Phòng về thành phố, Phụ Long xưa đã đổi mới và đang đi lên.

(Còn nữa)


TOP